Cà Mau: Ký kết triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt"
Ngày 9/3, Sở Tư pháp và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau vừa ký kết, hướng dẫn liên ngành triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt" trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện các nội dung đã đề ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Tư pháp đề ra 5 tiêu chí để thực hiện như: Chủ động phát hiện vụ việc, tiếp nhận đơn và đưa ra hòa giải kịp thời 100% vụ việc ngay từ khi mới phát sinh; tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 90% trở lên trên tổng số vụ việc được đưa ra hòa giải. Phối hợp tốt với Ban công tác mặt trận, các Chi hội đoàn thể ở cơ sở, kịp thời đề xuất kiện toàn các Tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn; mỗi Tổ hòa giải có ít nhất từ 3 hòa giải viên trở lên và đảm bảo cơ cấu thành phần theo Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQ Việt Nam ngày 18/11/2014 của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đảm bảo 100% hòa giải viên trong Tổ hòa giải ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng dành cho hòa giải viên. Được cung cấp tài liệu, các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở. Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở kịp thời, đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật. Quản lý, ghi chép sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định. Định kỳ báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và kết quả hòa giải của Tổ hòa giải về Ủy ban nhân dân cấp xã theo đúng quy định.
Trên cơ sở các tiêu chí đã đề ra, UBND cấp huyện căn cứ vào các văn bản pháp luật có liên quan, nội dung hướng dẫn này và tình hình thực tế của địa phương về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ hòa giải ở cơ sở điển hình tại địa phương, đầu tư nguồn lực chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn cấp xã tại địa phương. Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, UB MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, ban ngành tỉnh để tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kiện toàn lực lượng Hòa giải viên và Tổ hòa giải ở cơ sở, đảm bảo thực hiện tốt mô hình “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt" trên địa bàn cấp huyện.
Thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hình hiện nay và trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Tổ hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Quan tâm bố trí kinh phí phục vụ công các hòa giải ở cơ sở theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan.
Kịp thời đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện mô hình và báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng, hàng năm trong báo cáo định kỳ của đơn vị gửi về Sở Tư pháp và UBMTTQ Việt Nam tỉnh theo thời gian quy định. Báo cáo kết quả xét, công nhận, biểu dương, khen thưởng Tổ hòa giải đạt tiêu chí “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt" trước ngày 10/02 hàng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng theo thẩm quyền về gương điển hình tiêu biểu về hòa giải ở cơ sở và đối với “Tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt" có thành tích xuất sắc theo quy định pháp luật về thi đua khen thưởng.
Thông qua hoạt động của mô hình nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong tình hình hiện nay và trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Tổ hòa giải ở cơ sở trong đời sống, xã hội, góp phần giảm tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền; giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết trong Nhân dân góp phần thực hiện các tiêu chỉ xây dựng nông thôn mới của địa phương.