Chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Ngày 9/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; dự thảo Đề án nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của Quốc hội và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội và Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật được Đảng, Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Bà Nga khẳng định, trong những năm qua, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm thống nhất, khả thi, điều chỉnh hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, qua đó tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Quy định của pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ, đầy đủ từ khâu lập chương trình đến khi thông qua văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật như việc kiểm soát từ bên ngoài, kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật, kiểm soát của cấp trên với cấp dưới. Các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật nói riêng đã được Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan quy định tương đối cụ thể, là cơ sở cho việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật” - bà Nga cho hay.
Tuy nhiên, bà Nga cũng chỉ rõ, thực tế các quy định của Đảng trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, quá trình thực hiện có lúc còn chưa nghiêm. Đặc biệt là ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có chức năng tham mưu đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao, cá biệt còn có tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Từ đó, theo bà Nga, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, cần thiết phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị trong vấn đề này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội. Thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban soạn thảo, giao Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm cơ quan chủ trì soạn thảo.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội tại phiên họp. Bám sát tinh thần chỉ đạo, “đặt hàng” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Từ đó, xác định phạm vi của Quy định, nội hàm của kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật như thế nào, nhận diện các hành vi lạm quyền trong xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có Quốc hội giám sát Chính phủ, mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau để bảo đảm phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Do đó, Quy định này cũng chỉ nên tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, không bàn rộng ra khâu tổ chức thực hiện pháp luật.
“Cần chú trọng làm rõ nội hàm vấn đề quyền lực, kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện hành vi lạm quyền, sai thẩm quyền hoặc không thực hiện kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này dẫn đến sơ hở, tham nhũng chính sách pháp luật; làm rõ thế nào là tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật và nhận diện hành vi. Theo đó, bám sát các khâu trong quy định lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những chủ thể tham gia. Từ đó xây dựng các quy định chú trọng cả về phòng và chống” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát việc tổ chức thực thi pháp luật, rà soát những lỗ hổng, những sơ hở trong hệ thống pháp luật để từ đó có định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, cần thiết phải xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị trong vấn đề này.