Lừa đảo qua điện thoại vẫn hoành hành
Chỉ chưa đầy một tháng, công an TPHCM đã khởi tố hơn 20 người liên quan đến hoạt động “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua hình thức tin nhắn, điện thoại hoặc tội phạm sử dụng công nghệ cao. Số người đến cơ quan công an tố giác bị lừa mất tiền từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng ngày càng tăng.
Đến tố giác tội phạm tại cơ quan công an, chị H. là phụ huynh của một cháu đang học lớp 9 tại trường THCS tại quận 1, chưa hết bàng hoàng vì là nạn nhân của một vụ lừa đảo chuyên nghiệp. “Đối tượng lạ đã gọi điện cho tôi và cho số tài khoản (STK) ngân hàng, sau đó yêu cầu chuyển tiền gấp vì con bị té ngã và đang cấp cứu tại bệnh viện (BV) và phải mổ gấp để giữ lại mạng sống” - Chị H. thuật lại và cho biết, do thương con và trong lúc mất bình tĩnh, chị đã vội vã chuyển số tiền là 100 triệu đồng vào STK của đối tượng lạ mặt.
Được biết, trước khi đến tố giác tội phạm tại cơ quan công an thì chị H. đã gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm mà con đang theo học để xác minh và biết được mình đã bị lừa.
Không riêng chị H., trường hợp phụ huynh M.T. có con học tại trường tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức) cũng nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là nhân viên y tế nhà trường thông báo sự việc trong lúc chơi đùa với bạn, con của phụ huynh M.T. đã bị té và đang cấp cứu tại BV Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch. Với tình tiết như vậy, đối tượng tiếp tục tạo tình huống đề nghị phụ huynh M.T. nói chuyện với một người khác, tự xưng là bác sĩ khoa cấp cứu của bệnh viện và cho biết, con chị M.T. đang bị chấn thương sọ não, mất máu nhiều… cần phẫu thuật gấp. Vị “bác sĩ” này còn gây tâm lý, nếu phụ huynh gần bệnh viện thì phải đến ngay, còn không thì chuyển khoản để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật. Do hoảng loạn và không cảnh giác, phụ huynh M.T. cũng đã nhẹ dạ cả tin chuyển ngay số tiền 40 triệu đồng theo yêu cầu vào STK được vị “bác sĩ” hướng dẫn.
Theo đại diện Phòng Công tác xã hội của BV Chợ Rẫy, đến nay BV này đã tiếp xúc một số trường hợp phụ huynh có con (độ tuổi từ 2009 - 2012) ở nhiều trường trên địa bàn thành phố phản ánh về việc đã chuyển tiền vào tài khoản của giáo viên giả mạo với tổng số tiền ghi nhận là 250 triệu đồng.
Khác với các trường hợp trên, một số phụ huynh do đọc được tin tức trên báo chí, phương tiện truyền thông đã kịp thời cảnh giác không chuyển tiền cho các đối tượng lạ mặt.
Chị Đ.T.T.H. (43 tuổi) trú phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức có con học chung trường với phụ huynh M.T. kể trên cũng từng nhận được cuộc gọi từ người lạ xưng là giáo viên của trường cách đây vài ngày. Người này cũng thông báo kịch bản tương tự cho biết, con chị T.H. gặp tai nạn đang ở BV và cần tiền để mổ gấp. Sau đó, tiếp tục có từ 3-4 đối tượng được chuyển máy tự xưng là thủ quỹ, kế toán BV để “thao túng tâm lý” phụ huynh chuyển tiền cho họ. Sau đó, chị H. tiếp tục câu kéo thời gian để lấy thông tin STK ngân hàng, tên đối tượng trên thẻ tín dụng và cung cấp thông tin tố giác tội phạm đến công an địa phương.
Trước tình trạng hoạt động tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông, mạng điện thoại có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 9/3, Công an TPHCM cho biết, Ban Giám đốc đã họp chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra vụ một số đơn tố giác lừa đảo của nạn nhân. Đồng thời, BV Chợ Rẫy cũng cung cấp tờ trình (số 25/TT-CTXH) của BV này phản ánh các trường hợp nạn nhân cụ thể của trường Quốc tế Việt - Úc (quận 10) bị lừa đảo có con cấp cứu tại BV này và đã chuyển mỗi người số tiền từ 70 triệu đồng vào STK của đường dây lừa đảo.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM cũng có văn bản khẩn gửi Trưởng phòng GDĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện, hiệu trưởng các trường phổ thông và Giám đốc các trung tâm Giáo dục thường xuyên yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.
Hiện nay, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TPHCM) đang phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ Công an thành phố và Công an 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để phối hợp điều tra các loại tội phạm kể trên.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM đã có chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm này. Trong đó, riêng tháng 2/2023 Công an TPHCM ghi nhận xảy ra hơn 280 vụ phạm tội về trật tự xã hội, qua đấu tranh đã điều tra, khám phá 182/281 vụ, triệt phá 7 băng nhóm tội phạm.
Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiếp tục nổi lên và diễn biến phức tạp. Ngoài lừa đảo qua mạng viễn thông, tin nhắn, điện thoại, một số đối tượng còn tạo lập các trang, nhóm facebook mạo danh các thương hiệu lớn có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản...