Đăng kiểm 'dở khóc dở cười'
Chiều tối 7/3, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-06V (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) ô tô rồng rắn nối đuôi nhau, kéo dài gần 1km để đợi lấy số. Nhiều người trong số họ chấp nhận đợi xuyên đêm để "xếp lốt". Trước đó vài tiếng, nhiều tài xế đã rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” khi họ đã sắp tới lượt được đăng kiểm thì công an bất ngờ khám xét, khiến trạm này phải ngừng hoạt động.
Nhưng, đó cũng không phải là chuyện lạ trong chiến dịch “đại phẫu đăng kiểm” suốt mấy tháng qua.
Chiều 8/3, làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu phải có giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém của Cục Đăng kiểm Việt Nam nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân.
“Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước thì phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân” - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Tới nay, cả nước có 61/281 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị dừng hoạt động, trong đó có 53 TTĐK tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 TTĐK do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018 của Chính phủ. “Khủng” nhất là Hà Nội khi có tới 22/31 TTĐK với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Còn tại TP Hồ Chí Minh, 9 TTĐK với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động. Hai thành phố đông dân nhất, nhiều ô tô nhất mà rơi vào tình cảnh này. Hiện nhu cầu kiểm định xe của người Hà Nội chỉ đạt được dưới 40% còn TPHCM khoảng 50%.
Thực tế cuộc “đại phẫu thuật” ngành đăng kiểm cho thấy đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát. Cả Cục trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đều bị bắt. Ngày 4/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho rằng có thể coi vụ đăng kiểm giống như vụ Việt Á. Số bị can chắc chắn sẽ không dừng ở con số gần 400 vì các tỉnh vẫn đang tiếp tục kiểm tra.
Như vậy là đã rõ, sai phạm phải bị xử lý, xử lý bài bản, tận gốc thì cuộc “đại phẫu” mới thành công. Tuy nhiên, cùng đó phải đặt vấn đề, để hoạt động đăng kiểm như hiện nay thì ai phải chịu trách nhiệm giải quyết?
Thời gian qua, nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất với ngành giao thông vận tải để các trạm đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm được đi làm mà “không sợ bị bắt” - nói như ông Nguyễn Tô An - Cục phó Cục Đăng kiểm. Để giải quyết tình thế thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng đăng kiểm viên tại Hà Nội và nhiều địa phương, Cục đã vận động đăng kiểm viên nghỉ hưu hoặc những người tự nghỉ việc quay lại làm việc. Trước đó 1 tháng, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động với người lao động tại một số vị trí công việc của đơn vị, cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.
Nhưng gây xôn xao nhất chính là chuyện huy động cán bộ đăng kiểm bị khởi tố được tại ngoại đi làm. Cụ thể là đã phải sử dụng 12 đăng kiểm viên đã bị khởi tố (đang được tại ngoại) để vận hành lại 2 TTĐK từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội.
Về việc này có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, theo quy định hiện hành (Nghị định 139/2018 của Chính phủ) thì các đăng kiểm viên bị khởi tố phải tạm đình chỉ công việc. Nói cách khác, việc cho đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc là không đúng luật. Việc để các đăng kiểm viên đó tiếp tục làm việc là mạo hiểm, có thể gây hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, khi bị khởi tố, họ chỉ bị hạn chế một số quyền. Những đăng kiểm viên này vẫn có các quyền của công dân, trong đó có quyền lao động. Tuy nhiên, do những người lao động này đã bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nên việc đi lại sẽ gặp khó khăn. Trong trường hợp nơi làm việc và nơi cư trú của bị can ở hai tỉnh khác nhau thì khi đi khỏi nơi cư trú, bị can phải xin phép và được sự cho phép của chính quyền địa phương nơi cư trú.
Như vậy là hệ thống đăng kiểm đang rối. Rối là do có nhiều vi phạm pháp luật kéo dài mang tính hệ thống. Sai thì phải sửa, không thể trút gánh nặng sang cho người dân và càng không thể bao biện. Hoạt động đăng kiểm ô tô không thể bị gián đoạn, gãy đổ chỉ vì nhiều sai phạm. Dư luận xã hội đòi hỏi Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như Bộ Giao thông vận tải phải khắc phục ngay. Nói như cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì “mình làm mình chịu kêu mà ai thương”…