Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu chiết khấu

T.Hằng 10/03/2023 08:00

Chiết khấu xăng dầu tiếp tục giảm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “khóc ròng”. Đây cũng là câu chuyện kéo dài hơn 2 năm nay chưa có lời giải, thị trường xăng dầu luôn trong trạng thái mong manh, dễ đứt gãy.

Vấn đề về mức chiết khấu trong xăng dầu vẫn chưa được giải tỏa. Ảnh: Quang Vinh.

“Không còn gì để bàn về mức chiết khấu” - anh Nguyễn Mạnh - chủ một doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu ở Lục Ngạn – Bắc Giang nói đồng thời cho biết chi tiết về mức chiết khấu xăng dầu mà DN được hưởng như sau: Ngày 8/3, chiết khấu xăng Ron 95: 0; DO: 0; trước đó ngày 7/3, mức chiết khấu xăng Ron 95 là 250 đồng; DO: 0 đồng; ngày 6/3 mức chiết khấu xăng Ron 95 là 450 đồng; DO : 100 đồng.

Chiết khấu xuống 0 đồng

Trong khi đó anh Trần Linh – đại diện một DN bán lẻ nhượng quyền thương mại với xí nghiệp bán lẻ ở Hà Nội, nhận được thông báo tin nhắn: Từ 12h ngày 7/3, xí nghiệp bán lẻ xăng dầu thông báo thay đổi thù lao (mức thù lao bao gồm VAT), Cụ thể: xăng E5 Ron 92 : 261 đồng, xăng Ron 95 – III: 261 đồng; DO 0,05 S: 161 đồng.

Trên một diễn đàn kinh doanh xăng dầu, phần lớn các DN bán lẻ đều khẳng định, chiết khấu xăng dầu – phần mà thương nhân phân phối cắt lại cho các DN bán lẻ đang giảm dần theo thời gian.

Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH HNJ Kim Ngọc, huyện Cần Giờ, TPHCM chia sẻ, trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu 0 đồng hoặc thông báo nguồn hàng chưa về cảng... khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ông Giang Chấn Tây – Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc khẳng định cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu muốn giải quyết vấn đề về chiết khấu một cách căn cơ. Vị này phân tích, chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức bao gồm cả khâu bán buôn và bán lẻ, nhưng chỉ vì không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu nên DN đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này để định đoạt hưởng hầu hết phần chi phí này. Khi chiết khấu 0 đồng thì chắc chắn có khâu khác trong chuỗi cung ứng xăng dầu gom hết, và lấy hết của DN bán lẻ.

Ông Tây đề nghị liên bộ Tài chính – Công thương thành lập hội đồng để phân chia 1350 đồng/lít xăng dầu, xem DN bán lẻ nhận được bao nhiêu. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở để truy thu phần mà DN bán lẻ không được hưởng. Vị này đưa ra ví dụ, sau khi thẩm định phân định lại mức nhận được của DN bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được 100 đồng/lít thì đề nghị Hội đồng yêu cầu DN đầu mối hoàn trả cho DN bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa, đồng thời thống kê tổng số lượng hàng hoá bán ra để tính tổng mức tiền DN đầu mối phải chi trả bổ sung cho DN bán lẻ.

Sớm giải quyết bất cập

Câu chuyện chiết khấu xăng dầu đã kéo dài từ tháng 10/2022 đến nay. Khi DN bán lẻ kêu, chiết khấu xuống thấp, DN phải cầm cố tài sản để bù lỗ, và khi DN không thể duy trì được hoạt động bán hàng thì cơ quan quản lý lại liên tiếp thanh tra, kiểm tra. Như vậy, DN kinh doanh xăng dầu một vai gánh nhiều áp lực.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung phân tích, không thể để DN bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách. “Chúng ta cứ nói vấn đề chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các DN nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa” – ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các DN kinh doanh xăng dầu. “Do đó, vấn đề về chính sách, quản lý điều hành cần phải được cải thiện. Các bên không nên đổ lỗi cho nhau”- ông Cung nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Về điều tiết thị trường, có 2 điểm mấu chốt, giá phải gắn với cạnh tranh tự do. Đề nghị Bộ Công thương rà soát lại, điều kiện thực tế hiện không đủ để DN hoạt động. Nhiều quy định làm cho khái niệm kinh doanh tự do bị thu hẹp, trong khi cần phải mở ra cạnh tranh mới hiệu quả”- ông Thiên nói, đồng thời ủng hộ việc DN quyết định giá. Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho DN. Chúng ta nên trao quyền cho DN nhiều hơn nữa. Nhà nước sẽ định hướng, tham chiếu nào đó, vẫn giữ quỹ nhưng quỹ không sử dụng liên tục như hiện nay.

T.Hằng