Nghệ sĩ tạo 'barie' ứng xử: Chuẩn mực khi là người của công chúng
Những câu chuyện ồn ào liên quan đến nghệ sĩ như quảng cáo sai sự thật, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, hay những lùm xùm về việc làm từ thiện, những màn livestream "bóc phốt", những màn cãi nhau nảy lửa trên sóng truyền hình… trong thời gian qua khiến showbiz Việt thêm phần nhốn nháo. Điều này đặt ra những chuẩn mực ứng xử cần và đủ cho người nghệ sĩ, buộc họ phải tạo “barie” rào chắn cho chính mình.
Nghệ sĩ cũng "gây hại" cho xã hội?
Thời gian gần đây có một bộ phận những người làm nghệ thuật hiện nay, đặc biệt là những người thuộc giới showbiz “sắm" những mẫu hình lý tưởng trên phim ảnh, trên sân khấu thì ngoài đời họ lại có những hành động, phát ngôn và cả lối sống trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hiện có nhiều vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua liên quan đến câu chuyện nghệ sĩ quyên góp, làm từ thiện, quảng cáo (PR) sản phẩm sai mục đích, chức năng, gây hậu quả cho người tiêu dùng; vấn đề nghệ sĩ “nuôi tài năng trẻ”; nghệ sĩ sa vào tệ nạn xã hội, cờ bạc, lô đề; nghệ sĩ livestream “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kị cá nhân, đang làm “ô nhiễm” môi trường, không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng.
Đề cập đến chuyện nghệ sĩ quảng cáo và quảng cáo tràn lan cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đôi khi thổi phòng công dụng thực tế của sản phẩm khiến người tiêu dùng hoang mang, nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng, không ít nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi, sự nổi danh của mình để thương mại, kiếm tiền, cụ thể là quảng cáo.
"Một số nghệ sĩ vì đồng tiền sẵn sàng kí các hợp đồng quảng cáo các mặt hàng chưa kiểm nghiệm nhất là các loại thuốc chữa bệnh. Mà có một điểm rất dễ nhận ra là các nghệ sĩ phần nhiều quảng cáo các loại thuốc chữa bệnh. Hình như nghề nghệ sĩ là nghề gắn với ốm đau, sầu não, bệnh tật. Một bài báo đã viết khá hài hước rằng “nghệ sĩ đó mặt hồng hào, tươi tắn nhưng buổi sáng thì nhăn nhó vì quảng cảo thuốc trĩ, đến chiều lại chớp chớp mắt quảng cáo thuốc đau mắt. Mà thuốc nào nghệ sĩ này quảng cáo cũng cam đoan chỉ một liệu trình là khỏi hẳn”, nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ lo ngại.
Những vụ việc, hiện tượng đó, dưới sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội, làm dấy lên những lo ngại về những góc khuất trong đời tư nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu. Chưa kể, những hành động không phù hợp chuẩn mực trên sẽ dẫn tới hệ lụy, tác động to lớn đến người tiêu dùng, đồng thời gây hại trực tiếp cho xã hội, dần già sẽ khiến công chúng mất niềm tin vào nghệ sĩ.
Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với nghệ sĩ
Bên cạnh những điều luật do Nhà nước quy định về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng thì trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của nghệ sĩ cũng cần phải có những chuẩn mực của nó. Nếu chỉ làm theo những điều luật về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng thì đó là mới dừng lại ở phần trách nhiệm còn lương tâm và lòng tự trọng của nghệ sĩ lại là vấn đề khác.
Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, những “chiến sĩ" trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, người nghệ sĩ chân chính có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Bằng tài năng, tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm với Tổ quốc, non sông, những tác phẩm của họ có thể ví như những ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”.
NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, để phát huy truyền thống vẻ vang của nền văn nghệ cách mạng mà các nghệ sĩ đi trước dày công xây dựng cũng như khắc phục những khuyết tật, hạn chế trong đời sống nghệ thuật thời gian qua, nhất là những hành vi “lệch chuẩn” của một số nghệ sĩ, các cơ quan ban ngành, những người có trách nhiệm cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ cấp thiết.
Bên cạnh đó, mỗi nghệ sĩ cần phải ý thức sâu sắc về sứ mệnh, thiên chức nghệ thuật cao cả, thiêng liêng mà mình đang đảm trách; phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; nâng cao trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn; kiên trì, nỗ lực trong sáng tạo, trình diễn; ra sức học tập, trau dồi tri thức, vốn sống, vốn hiểu biết; tích cực thâm nhập cuộc sống để hiểu rõ cuộc đời cũng như tâm lí, nhu cầu của công chúng.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mỗi nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của một người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, trong sáng; có ứng xử phù hợp với quy tắc, chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội; gương mẫu thực hiện tốt hai bộ Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng) là một trong những nội dung của nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra.
Với các bộ, ngành trực tiếp quản lý hoạt động sáng tạo nghệ thuật, các cấp hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương cần nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ. Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức công dân cho đội ngũ văn nghệ sĩ.
Đặc biệt cần phát hiện kịp thời những tư tưởng, hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mĩ tục, đạo đức xã hội, chuẩn mực nghề nghiệp của một số nghệ sĩ để uốn nắn, chấn chỉnh và nghiêm khắc xử lý, tránh những hiện tượng, vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Trong bối cảnh Internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, hiện có khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng Internet, đây là cơ hội lớn để nghệ sĩ quảng bá, chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân và các sự kiện nghệ thuật nhằm tăng cường khả năng tương tác, kết nối với những người yêu nghệ thuật.
Để có bản lĩnh nghệ thuật trong không gian mạng, hơn ai hết, nghệ sĩ - những “người của công chúng” phải có những kiến thức về công nghệ thông tin, làm chủ thông tin, hiểu biết pháp luật, tuân thủ những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng; phải cẩn trọng, suy nghĩ trước khi phát ngôn, bình luận, khi chia sẻ thông tin, hình ảnh với công chúng.
Người nghệ sĩ phải lường trước được kết quả, hậu quả và phải chịu trách nhiệm trước dư luận, công chúng và pháp luật về những hành vi, suy nghĩ của mình. Phải có tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải nhanh chóng cải chính thông tin sai và xin lỗi công chúng cũng như đối tượng bị tổn thương; tránh vòng vo, đổ lỗi cho người khác; nhanh chóng gây dựng lại niềm tin nơi khán giả.
Lao động nghệ thuật là một hành trình, một nghề vô cùng “nghiệt ngã” đòi khỏi sự khổ luyện của người nghệ sĩ để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho con người và xã hội. Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng là ở những tác phẩm đỉnh cao, ở sự nghiêm túc, cẩn trọng, hết mình với nghệ thuật. Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển, tài năng, phẩm chất của người nghệ sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng.
"Nghệ thuật phải hướng đến số đông quần chúng, vì lợi ích chung của cộng đồng; không thể mượn danh nghệ thuật, uy tín của nghệ sĩ để vụ lợi. Mỗi nghệ sĩ cần vượt qua những “lằn ranh”, giới hạn chật hẹp của cuộc sống cá nhân, suy nghĩ về những vấn đề lớn của vận nước, về những phận người để có những tác phẩm, vở diễn xứng tầm với niềm tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân”, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ các chương trình biểu diễn, đặc biệt của các nhóm nghệ sĩ tự do và cả những nghệ sĩ đã nghỉ hưu.
Được biết, với các chương trình biểu diễn của cá nhân nghệ sĩ, Sở VHTT Hà Nội có một Hội đồng thẩm định nghệ thuật để xem và góp ý, nghệ sĩ sẽ phải làm bản cam kết diễn đúng như chương trình đã được duyệt. Thế nhưng, vẫn có những nghệ sĩ hoạt động tự do, không xin phép mà diễn “chui” ở các khu dân cư, xóm làng ngoại thành thì cũng rất khó quản lý. Bên cạnh việc các cấp, các ngành và các địa phương lan tỏa Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mạnh mẽ hơn nữa để giúp nghệ sĩ có ý thức rõ ràng hơn về những nguyên tắc nghề nghiệp để ứng xử chuẩn mực trên sân khấu và cả ngoài xã hội.