Ngày hội của những người làm Truyền hình

Hoàng Minh 10/03/2023 15:00

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) phối hợp với UBND TP Hải Phòng tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 41.

Theo đó, LHTHTQ lần thứ 41 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 18/3 tại TP Hải Phòng. Liên hoan năm nay có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Ban Tổ chức bổ sung 2 thể loại mới là phóng sự ngắn và video trên nền tảng số, nâng tổng số thể loại dự thi lên 11; điều chỉnh 2 thể loại: Chương trình Ca múa nhạc có thêm hạng mục MV ca nhạc, Chương trình Sân khấu có thêm hạng mục Tiểu phẩm truyền hình; tăng số lượng tác phẩm dự thi của 3 thể loại: Chuyên đề Khoa giáo, Đối thoại – Toạ đàm và Phim truyện dài tập...

Toàn cảnh họp báo.

Điểm thu hút của các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc luôn là tác phẩm dự thi. Năm nay, có 714 tác phẩm, tranh giải ở 11 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi (22 tác phẩm), Phim tài liệu (82 tác phẩm), Phóng sự (138 tác phẩm), Phóng sự ngắn (140 tác phẩm), Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo (82 tác phẩm), Chương trình Đối thoại - Tọa đàm (59 tác phẩm), Chương trình truyền hình Tiếng dân tộc thiểu số (57 tác phẩm), Chương trình Ca múa nhạc (51 tác phẩm), Chương trình Sân khấu (24 tác phẩm), Phim truyện truyền hình (18 tác phẩm), và Video trên nền tảng số (41 tác phẩm).

Thể loại Phóng sự ngắn với 140 tác phẩm (không có Đài THVN tham gia), mang đến nhiều đề tài phong phú, phản ánh bức tranh thời sự của các địa phương trong 2 năm qua: Quê tôi đâu phải là bãi rác (Đài TP-TH Trà Vinh), Những tay buôn đội lốt nông dân (Đài TP-TH Ninh Thuận...), Hy vọng từ đống tro tàn (Hãng phim Hội Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh), Khi Đảng viên đi trước (Đài PT-TH Bắc Giang).... Đáng chú ý, ở thể loại này, mỗi đơn vị dự thi đều có ít nhất 1 phóng sự về người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống văn hoá mới, qua đó cho thấy nguồn năng lượng tích cực lan tỏa trong đời sống.

Phóng sự Thức tỉnh (Đài THVN).

Ở thể loại Phóng sự thu hút 138 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm bám sát chủ trương tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phản ánh sâu sắc và sinh động thành tựu trong nhiều lĩnh vực của đất nước: Ngày về (Đài TH TP. Hồ Chí Minh) đề cập câu chuyện chiến thắng Covid -19 của y bác sĩ và các bệnh nhân F0; Thức tỉnh (Đài THVN) kể về hành trình “sát thủ rừng xanh” hoàn lương trở thành người bảo vệ rừng; Mô hình giúp dân thoát nghèo (Đài PT-TH Quảng Nam) chia sẻ sáng kiến 3 cán bộ, viên chức giúp đỡ 1 hộ dân, đưa Nam Trà My - Quảng Nam, huyện miền núi nghèo nhất cả nước năm 2008 vươn lên thoát nghèo bền vững...

Một trong những hạng mục được nhiều khán quả quan tâm là Phim truyện truyền hình năm nay cũng ghi nhận sự đã đa dạng về đề tài, câu chuyện phim hấp dẫn, nội dung gần gũi, các chủ đề thu hút sự quan tâm của khán giả cùng sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng ở hai miền Nam-Bắc. Đặc biệt, Phim truyền hình dài tập tiếp tục khẳng định ưu thế với 15 tác phẩm dự thi, trong đó nhiều bộ phim tạo dấu ấn với khán giả trong thời gian phát sóng như 11 tháng 5 ngày, Thương ngày nắng về, Đấu trí (Trung tâm Phim Truyền hình, Đài THVN), Lưới trời (Đài PT-TH Vĩnh Long), Mẹ Trùm (Hãng phim Truyền hình TP.HCM)...

Bộ phim Đấu trí (Trung tâm Phim Truyền hình, Đài THVN).

Điểm nhấn đặc biệt của Liên hoan lần thứ 41 là 3 hội thảo chuyên ngành, được xây dựng dựa trên việc lấy nhu cầu thực tiễn của các Đài phát thanh-truyền hình trên cả nước làm trung tâm. Theo đó, Đài THVN đã sớm triển khai phiếu lấy ý kiến của các Đài địa phương, từ đó, xây dựng chủ đề hội thảo một cách thiết thực và ý nghĩa, gồm: Hội thảo “Sản xuất và phân phối tin tức trong thời đại số”, Hội thảo “Đồ hoạ truyền hình - thực tiễn và xu thế phát triển”, Hội thảo “Phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình”. Song song với các hoạt động chính thức, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần này còn có các hoạt động bên lề ý nghĩa, bao gồm: Triển lãm ảnh về hoạt động của ngành truyền hình, Triển lãm kỹ thuật công nghệ truyền hình.

Chia sẻ tại buổi họp báo, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, từ năm 2023, Liên hoan được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, dự kiến vào trung tuần tháng 3. Số lượng 714 tác phẩm tham gia liên hoan năm nay thể hiện sự nhiệt huyết, nỗ lực thay đổi của người làm truyền hình trong cả nước. Song song với hoạt động trọng tâm là chọn lựa và vinh danh những tác phẩm xuất sắc, Liên hoan cũng là dịp để những người làm truyền hình trong cả nước gặp gỡ trao đổi, hợp tác sản xuất, cập nhật xu hướng phát triển của ngành truyền hình và cùng chia sẻ thông tin nhằm phục vụ khán giả tốt hơn.

“Thương ngày nắng về” tranh giải tại Liên hoan THTQ lần thứ 41.

Cũng theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ, góp phần quan trọng làm nên thành công của các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc là đội ngũ Ban giám khảo. Năm nay, bên cạnh các nhà báo giàu kinh nghiệm, có nhiều gương mặt nghệ sĩ tham gia làm giám khảo Liên hoan: NGƯT, nhạc sĩ Đức Trịnh, NSƯT Phạm Phương Thảo (Chương trình Ca Múa Nhạc); NSND Lý Thái Dũng, đạo diễn Nguyễn Khải Anh, diễn viên Hồng Ánh (Phim truyện truyền hình); NSƯT Bùi Như Lai, NSƯT Đặng Thụy Mỹ Uyên (Chương trình Sân khấu)...

Đồng hành cùng Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41, Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức một số hoạt động thiện nguyện tại Hải Phòng như: Trao tặng bò giống cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm tạo sinh kế phát triển kinh tế; Trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học... Theo kế hoạch, Lễ Khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra vào 18h ngày 15/3, được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Hải Phòng và livestream trên Báo Điện tử VTV News (http://vtv.vn), chuyên trang Liên hoan truyền hình toàn quốc (http://vtv.vn/lienhoantruyenhinh), ứng dụng VTVgo và một số trang của Đài THVN trên mạng xã hội. Lễ Bế mạc và trao giải truyền hình trực tiếp lúc 20h10 ngày 18/3 trên kênh VTV1.

Hoàng Minh