Nam Định: Chấn chỉnh công tác xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Duy Hưng 10/03/2023 21:21

UBND tỉnh Nam Định đưa ra đánh giá trên trong văn bản phát đi hôm nay, 10/3, về việc “chấn chỉnh công tác xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”. Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị ký.

Còn nhiều hạn chế, sai phạm

Trong văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; thủ trưởng các Hội đặc thù cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về việc “chấn chỉnh công tác xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”, UBND tỉnh Nam Định nhận xét, đánh giá việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh còn nhiều hạn chế, sai phạm.

Cụ thể, theo báo cáo của sở Nội vụ tỉnh, qua công tác thanh tra, tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật hàng năm và hiệp y xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền kỷ luật của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố phát hiện nhiều hạn chế, sai phạm như:

Thực hiện xử lý kỷ luật chưa đảm bảo thời hạn quy định, nhất là đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị khởi tố, xét xử (nguyên nhân do Tòa án có thẩm quyền xét xử chậm gửi Bản án xét xử tới cơ quan quản lý công chức, viên chức, người lao động hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật không nhận được Bản án) dẫn đến việc xem xét, xử lý kỷ luật không được kịp thời, vi phạm thời hạn xử lý, nhất là các trường hợp bị Tòa án tuyên phạt tù nhưng không cho hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng (quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật) ảnh hưởng đến việc thực hiện các quy định chế độ chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật; một số trường hợp khiếu nại quyết định kỷ luật.

Một số trường hợp xử lý kỷ luật sai thẩm quyền và một số trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật không đúng quy định (đặc biệt đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị Tòa án tuyên phạm các tội tham nhũng nhưng cho hưởng án treo).

Nhiều cơ quan, đơn vị không xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định dân số theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ.

Văn bản chỉ đạo chấn chỉnh của UBND tỉnh Nam Định.

Hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật khi tiến hành kỷ luật không đúng quy định

Để chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh, các Hội đặc thù cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục quán triệt, phổ biến các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho thủ thưởng các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ trong công tác xử lý kỷ luật.

Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị mình nghiên cứu, tham mưu việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định; thường xuyên rà soát, tổng hợp kết quả xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện các sai phạm trong công tác xử lý kỷ luật.

Thực hiện theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo thực hiện khi phát hiện các sai phạm trong công tác xử lỷ kỷ luật, gồm hủy bỏ theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật khi tiến hành kỷ luật không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật; trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật. Đồng thời phải tiến hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý xem xét xử lý kỷ luật theo đúng quy định.

Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm để xem xét xử lý kỷ luật đối với thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý (người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức); người đứng đầu cơ quan, đơn vị, bộ phận tham mưu về công tác cán bộ và cán bộ, công chức, viên chức có liên quan.

Kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về những sai phạm trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền xử lý.

“Định kỳ 6 tháng, hàng năm, chỉ đạo xây dựng báo cáo kết quả thực hiện xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý báo cáo UBND tỉnh”, văn bản dẫn ý kiến chỉ đạo.

Một trong những chỉ đạo chấn chỉnh của UBND tỉnh Nam Định là phải hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật khi tiến hành kỷ luật không đúng quy định. Ảnh minh họa.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Đối với Sở Nội vụ, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải thực hiện hướng dẫn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu tổ chức cán bộ của các đơn vị, địa phương để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác xử lý kỷ luật theo quy định.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của các đơn vị, địa phương để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm trong công tác xử lý kỷ luật.

Tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng các đơn vị, địa phương khi có sai phạm trong công tác xử lý kỷ luật theo đúng phân cấp về quản lý cán bộ.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm, tổng hợp báo cáo kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị, địa phương; xây dựng dự thảo báo cáo của UBND tỉnh để báo cáo Bộ Nội vụ theo quy định.

Điều 6, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định về các hành vi bị xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:

Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Duy Hưng