Làn gió mới cho ca khúc Việt
Không chỉ có những MV vượt mốc “triệu view” hay lọt vào các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của thế giới, việc bắt tay với các nghệ sĩ nước ngoài trong thời gian vừa qua đang nâng tầm cho nhiều ca khúc Việt Nam trên con đường chinh phục khán giả quốc tế.
Sự giao thoa về văn hóa
Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đang có những bước đi táo bạo khi bắt tay với nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới. Có thể kể đến sự kết hợp của Vũ và Lukas Gramham - chủ nhân của bản hit “7 Years” cán mốc 1 tỷ view trong ca khúc “Happy for you”; Sơn Tùng M-TP và rapper Snoop Dogg với ca khúc “Hãy trao cho anh”, ca khúc này trước đó cũng đã giới thiệu trên Billboard - chuyên trang âm nhạc uy tín của Mỹ; Thu Minh và So Hyang với “I Believe I Can Fly”; “Where do we go (Tình về nơi đâu) với sự hòa giọng của Thanh Bùi và diva của Thái Lan Tata Young; Sobin Hoàng Sơn kết hợp với nhóm nhạc Hàn Quốc T-ara trong ca khúc “Đẹp nhất là em”…
Mới đây nhất là ca sĩ Đức Phúc với bản hit “Em đồng ý (I do)” kết hợp với nhóm nhạc “huyền thoại” 911 đã làm khuấy đảo thị trường âm nhạc Việt Nam trong những ngày đầu năm 2023. Hay sự kết hợp của ca sĩ Hà Anh Tuấn và huyền thoại âm nhạc của Nhật Bản Kitaro trong 2 đêm nhạc vừa diễn ra tại Ninh Bình vào tháng 2 vừa qua.
Có thể nói, việc kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài đang tạo nên một làn gió mới. Ở đó, việc hợp tác với nghệ sĩ tên tuổi nước ngoài cho ra mắt sản phẩm âm nhạc được coi là phương án “đôi bên cùng có lợi”. Trong đó, với các nghệ sĩ Việt Nam là cơ hội làm việc với ngôi sao có tầm ảnh hưởng quốc tế, qua đó sản phẩm âm nhạc có thể quảng bá hình ảnh, tên tuổi, phong cách âm nhạc của mình đến bạn bè khu vực và thế giới. Bởi với lượng người hâm mộ hùng hậu của nghệ sĩ quốc tế đã giúp các nghệ sĩ Việt Nam mở rộng tầm phủ sóng của mình. Bên cạnh đó đây cũng là dịp để các nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội học hỏi khi hợp tác với ekip làm việc chuyên nghiệp, nền công nghiệp sản xuất âm nhạc hiện đại trên thế giới. Trong mối quan hệ hợp tác này, nghệ sĩ nước ngoài cũng được hưởng lợi. Họ có cơ hội trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu showbiz và nghệ sĩ Việt. Đồng thời, đây cũng là cách để họ tiếp cận với người hâm mộ Việt Nam, một thị trường âm nhạc có nhiều tiềm năng để phát triển.
Hành trình dài phía trước
Nhìn nhận về bước tiến này, nhạc sĩ Đỗ Phương - Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam cho rằng những nghệ sĩ đã dũng cảm bước những bước đầu tiên của trong việc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài. Thành quả đem lại là những sản phẩm được đầu tư, trau chuốt. Việc hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài là sự giao thoa giữa âm nhạc Việt Nam và thế giới. Sự kết hợp này đột phá, tạo ra sức thu hút của các tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Khi hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài nghệ sĩ Việt có cơ hội học tập từ tiết tấu nhạc, phong cách biểu diễn đến sự sáng tạo trong từng tác phẩm. “Tôi hy vọng được thấy nhiều sự hợp tác hơn giữa nghệ sĩ nước ngoài và Việt Nam. Điều này giúp nâng tầm, đa dạng hoá phong cách biểu diễn, phong cách sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam” - nhạc sĩ Đỗ Phương nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trong việc kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài vẫn còn đó những băn khoăn. Bởi thực tế, không phải việc bắt tay nào cũng mang lại “quả ngọt”. Các sản phẩm âm nhạc hợp tác với nghệ sĩ quốc tế luôn phải đối mặt về độ chênh lệch nhất định về kỹ năng trình diễn. Điều này phản ánh thực tế nền âm nhạc nước ngoài phát triển hơn Việt Nam ở tính chuyên nghiệp và chuyên môn. Minh chứng rõ nhất là một số MV dù được quảng bá rầm rộ nhưng nhận về nhiều ý kiến trái chiều, do âm nhạc lẫn hình ảnh chưa được như kỳ vọng. Đơn cử như trường hợp ca khúc “Đôi ta” của Jang Mi (Bảo Trang) kết hợp cùng rapper Jung Min Hyuk sau khi ra mắt đã không được khán giả đánh giá cao.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Minh Phi nhận định, sự kết hợp này có thể như con dao hai lưỡi. Trong tư duy của số đông, người ta thường mượn sự xuất hiện các nghệ sĩ tên tuổi nước ngoài như một cách quảng bá cho các sản phẩm âm nhạc. Một số sự kết hợp mang tính thương mại hoặc PR hơn là ý nghĩa về mặt nghệ thuật và nhân văn. Chính vì vậy, những người ở vai trò quản lý chuyên môn nên có những tiêu chí định hướng cho các nghệ sĩ Việt Nam và tạo ra nhiều sân chơi như Festival, giao lưu tại sân nhà để khán giả được thưởng thức những sự kết hợp tinh hoa, dần dần tạo thành thói quen và văn hóa thưởng thức.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để nhạc Việt thực sự có chỗ đứng trên thế giới cần có hành trình dài. Chúng ta luôn nghĩ có một nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc nhưng đó mới chỉ là nguồn lực, tài nguyên mà chúng ta chưa thể khai thác hay mài dũa thành các sản phẩm có chất lượng cao đẳng cấp thế giới. “Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải có khát vọng vươn ra thế giới, cần có kế hoạch tỉ mỉ và nền công nghiệp âm nhạc cũng như đời sống âm nhạc Việt Nam phong phú” - nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.