Nguy hiểm tính mạng vì tự ý sử dụng thuốc
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp bị ngộ độc Paracetamol do gia đình tự ý dùng thuốc hạ sốt tại nhà. Bệnh nhi L.B.K. (8 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ C, buồn nôn, thở khò khè.
Sau khi khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ nhận định trẻ bị suy gan cấp tính do ngộ độc thuốc hạ sốt, thành phần Paracetamol. Mẹ bệnh nhi K. cho biết đã cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng không đọc hướng dẫn sử dụng. Sau nhiều ngày dùng thuốc hạ sốt liên tiếp mà bệnh không đỡ, bé K. xuất hiện thêm dấu hiệu sốt li bì, nôn, bú kém và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa kiểm tra.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành giải độc đặc hiệu, hỗ trợ tế bào gan. Sau 8 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe trẻ ổn định và được ra viện theo dõi tại nhà.
Theo các bác sĩ, Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau được bán trên thị trường rất nhiều, rất dễ mua. Dù có nhiều tên gọi khác nhau, thành phần thuốc đều chứa Paracetamol. Nếu dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm chứa Paracetamol, tổng liều chất này trong cơ thể người bệnh dễ vượt quá quy định theo ngày, dẫn tới quá liều và ngộ độc.
BSCKI Trịnh Thị Phương - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa khuyến cáo, người dân nên mua và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc cho con uống. Ngoài ra, để tránh các bé vô tình uống nhầm thuốc, gia đình cần bảo quản thuốc đúng nơi quy định, tránh xa tầm với của trẻ.
Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) thông tin về trường hợp bệnh nhân nam (39 tuổi) bị đau rát họng đã uống thuốc điều trị không rõ loại, sau khi uống thuốc bệnh nhân sốt nhiệt độ 40 - 41 độ C, nổi ban đỏ toàn thân. Ở thời điểm nhập viện, toàn thân bệnh nhân xuất hiện các ban hoại tử dạng mảng, kèm phỏng nước to, đau rát, hai mắt phù nề, nhìn mờ, chảy máu, mệt mỏi, ăn kém, khát nước...
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng Lyell nghi ngờ do phản ứng với thuốc. Đây là hội chứng rối loạn da niêm mạc đe dọa tính mạng với đặc trưng bởi sự bong tróc biểu bì hơn 30% tổng diện tích bề mặt cơ thể bệnh nhân do phản ứng dị ứng miễn dịch đặc trưng với thuốc gây ra.
BSCKI Hà Thị Thanh Nga - Phó Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện trung ương Thái Nguyên cho biết, hoại tử thượng bì do nhiễm độc là hội chứng gồm nhiều triệu chứng da, niêm mạc và nội tạng. Lúc khởi phát, bệnh gây ra các mảng ban đỏ toàn thân và tiến triển nặng dần nếu không được xử trí, điều trị kịp thời. Nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng Lyell là dị ứng thuốc, có thể do thuốc nam, thuốc tây hoặc các hóa chất như cồn.
“Đây là hội chứng có biểu hiện lâm sàng rất nặng nề với tỷ lệ tử vong lên tới 25-70%, trong khi đó, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này, thậm chí chưa có sự thống nhất về chiến lược điều trị. Đáng nói, mặc dù đây là loại bệnh được xem là hiếm gặp, thế nhưng, chỉ trong 2 tháng qua, tính riêng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận 3 bệnh nhân mắc hội chứng này”.
Các bác sĩ khuyến cáo tất cả loại thuốc đều có nguy cơ gây dị ứng với mức độ khác nhau. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có tư vấn của bác sĩ. Đồng thời, sau khi uống thuốc, nếu thấy có biểu hiện nổi mẩn ngứa, ban da, khó thở… người dân nên ngừng sử dụng thuốc, liên hệ ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ.