Xâm phạm quyền lợi gia tăng: Người tiêu dùng vẫn ngại lên tiếng
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi nhiều năm qua, song số vụ việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi vẫn gia tăng. Đáng chú ý, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, người tiêu dùng trong lĩnh vực này cũng bị xâm phạm nhiều hơn.
Người tiêu dùng e ngại khiếu nại
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi 12 năm, song vẫn không ít người tiêu dùng than phiền về tình trạng bị xâm phạm quyền lợi trong sinh hoạt mua sắm hàng ngày. Trường hợp của chị Hoàng Minh Thắm (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ. Chị Thắm cho biết, ngày 1/3 vừa qua, chị mua hàng tại một siêu thị trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) với tin tưởng là hàng hóa ở đây yên tâm về chất lượng. Thế nhưng khi mua sản phẩm thịt lợn tại siêu thị này, chị đã vô cùng thất vọng vì mua phải sản phẩm thịt lợn bị hỏng. “Tôi mua về lúc 17h chiều ngày 1/3 có để trong tủ lạnh ngăn mát, đến 18h cùng ngày tôi mang ra chế biến thì mọi người trong nhà đều thấy có mùi ôi, không tươi ngon và vậy là tôi phải đổ bỏ nửa cân thịt lợn vừa mua”, chị Thắm kể. Theo chia sẻ của chị Thắm, đây không phải lần đầu chị mua phải những sản phẩm chất lượng kém từ các siêu thị.
Còn anh Trần Thế Toàn (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) thì chưa hết ám ảnh lần mua đồ ăn trưa trực tuyến tại một sàn thương mại điện tử mới đây, mở ra anh mới tá hỏa vì trên món rau cải luộc có cả chục con sâu. “Không hiểu họ tính kinh doanh kiểu gì khi bán hàng mà như “dọa” người tiêu dùng như thế”, anh Toàn băn khoăn. Khi được hỏi quyền lợi của anh bị xâm phạm như vậy, tại sao anh không khiếu nại, anh Toàn cho là, giá trị sản phẩm không lớn nên ngại không muốn kiện cáo gì, vì có khi kiện xong thì cũng mất thời gian, công sức mà việc bồi thường cũng chẳng đáng là bao.
Tương tự, chị Hoàng Minh Thắm cũng nói rằng: “Tôi chỉ chia sẻ trên trang facebook cá nhân để cho mọi người biết mà thận trọng, tránh mua phải hàng kém chất lượng chứ cũng không muốn khiếu kiện gì, mất thời gian lắm”.
Tâm lý của anh Toàn và chị Thắm cũng là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Cho rằng người tiêu dùng vẫn đang tỏ ra e ngại trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính mình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, với phần lớn người tiêu dùng, khi gặp phải tình thế mua hàng không đúng như chất lượng công bố, thì thường họ không biết làm gì ngoài việc tỏ thái độ bức xúc. Điều đó càng khiến cho nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng để trục lợi.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cũng nhận định: Đa số người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bà Lan đưa ra ví dụ: Mua hàng không lấy hóa đơn, không xem xét xuất xứ hàng hóa, không xem hạn sử dụng sản phẩm, chủ yếu mua hàng với giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng hàng hóa… Đáng nói, ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, chấp nhận thua thiệt.
Khắc phục điểm yếu của Luật
Thực tế, nhiều người tiêu dùng ngại khiếu kiện vì cho rằng, có khi chi phí khiếu kiện còn nhiều hơn so với số tiền mua sản phẩm, nên hầu hết họ bỏ qua quyền lợi của mình. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011 nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang xảy ra phổ biến. Nhiều người chưa nắm rõ luật, chưa hiểu các quyền của mình, dẫn đến thái độ thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.
Giới chuyên gia nhận định, khi người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả hay hàng nhái mà im lặng, bỏ qua, không khiếu nại thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cho các hành vi vi phạm có tiếp diễn, và như vậy quyền lợi của chính người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị xâm phạm. Bởi vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trước hết chính họ phải lên tiếng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cũng cần chung tay để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng là bảo vệ uy tín của chính DN.
Theo Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc DN tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước hết là một nghĩa vụ, đồng thời là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính DN mình. Do đó, DN cần phải có biện pháp trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cho cán bộ, nhân viên trong công ty, đơn vị, trước hết là bộ phận chăm sóc khách hàng, thực hiện khâu bảo hành hàng hóa, giải quyết khiếu nại một cách đầy đủ để nâng cao uy tín của DN nơi người tiêu dùng.
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thời gian qua đang được lấy ý kiến rộng rãi nhằm nâng cao hơn nữa quyền của người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất những vi phạm trong kinh doanh, bảo vệ chữ tín của các DN chân chính. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, mà còn nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.