Áp lực chạy đua vào lớp 1

NGUYỄN HOÀI 12/03/2023 07:44

Nhiều phụ huynh thời điểm này đang có tâm trạng thấp thỏm, đứng ngồi không yên để tìm lớp tiền tiểu học hay tìm cơ hội trúng tuyển vào trường có tiếng cho con.

Phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ cho con tại Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: Lê Khánh.

Chạy đua học trước chương trình

Con trai chị Lê Ngọc Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm nay vào lớp 1. Chỉ còn thời gian ngắn nữa năm học đầu tiên của con sẽ bắt đầu, nhưng đến thời điểm này con vẫn chưa thuộc mặt bảng chữ cái. Lo lắng con không theo kịp các bạn, chị Ngọc Anh cho biết, từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, chị đã đôn đáo tìm lớp tiền tiểu học cho con.

Dù được khuyên không nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 nhưng chị Ngọc Anh chia sẻ: “Không cho con học trước, tôi lo khi bước vào năm học tới đây, con sẽ không theo kịp các bạn. Như con gái lớn nhà tôi, năm cháu học lớp 1, tuần thứ 2 đi học, cô giáo đã cho các con chép chính tả rồi. Thế nên, con mà không học trước thì đuổi theo các bạn thế nào”.

Tương tự, chị Dương Quỳnh Chi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang đứng ngồi không yên khi con chưa biết đọc thông viết thạo mặc dù chị cho con học tiền tiểu học từ khi con mới lên 5 tuổi.

Chị Chi tham gia một nhóm phụ huynh có con học lớp 1 trên mạng xã hội. Chị cho biết, nhiều bố mẹ chia sẻ cho con học chữ sớm. Tới thời điểm này, các con đã viết và đọc khá tốt. Trong khi con nhà chị vẫn thuộc một vài mặt chữ. “Tôi thấy con tiếp thu chậm, còn mải chơi. Mỗi lần bố mẹ bắt học chữ con đều uể oải, mếu máo. Tôi rất lo vì sắp vào năm học rồi”, chị Chi nói.

Lo lắng của chị Ngọc Anh hay chị Quỳnh Chi ở trên cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Mới đây, hình ảnh nhiều phụ huynh xếp hàng tại Trường Marie Curie từ tối hôm trước để mua hồ sơ vào lớp 1 cho con thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “Vì sao mới lớp 1 đã tạo áp lực cho các con rồi”. Đáng chú ý, hiện tượng này không phải lần đầu tiên xảy ra ở Trường Marie Curie hay nhiều trường khác ở Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), năm ngoái cũng từng diễn ra tình trạng phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ vào lớp 1 cho con, song không căng thẳng như năm nay. Sở dĩ xảy ra tình trạng này do tâm lý phụ huynh thật sự mong con được học ở trường nên đã sốt ruột đến từ nửa đêm xếp hàng để giành một suất dự tuyển.

Cũng theo ông Khang, nhà trường không kiểm tra, không đánh giá kiến thức và kỹ năng của môn tiếng Việt, tiếng Anh và Toán để tuyển sinh lớp 1. Do đó, phụ huynh không cần thiết đưa con vào các lò luyện thi tiền lớp 1.

Nắm bắt tâm lý phụ huynh, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường ngoài công lập hiện nay tổ chức các lớp tiền tiểu học cho học sinh. Liên hệ tới số điện thoại của một trường tiểu học và THCS tư thục trên địa bàn Hà Nội, phóng viên được tư vấn về khóa tiền tiểu học năm học 2023-2024 của nhà trường.

Theo đó, nhà trường tuyển sinh 3 lớp, mỗi lớp 30 học sinh cho học sinh sinh năm 2017 có nguyện vọng trang bị hành trang chuẩn bị vào lớp 1 với việc làm quen các kỹ năng, kiến thức, làm quen với các môn học tiền tiểu học, giúp con chuẩn bị tâm lý tốt, thích nghi với môi trường học tập và nhiều hoạt động, kiến thức mới. Tuy nhiên học phí cho khóa học này không phải rẻ, hơn 13 triệu đồng/khóa trong 2 tháng học, bao gồm phí dịch vụ ăn uống. Số tiền bỏ ra để cho con học các lớp tiền tiểu học như trên không hề nhỏ nhưng nhiều phụ huynh vẫn chấp nhận bởi tâm lý “có học có hơn”, “học trước cho yên tâm”.

Hệ lụy từ áp lực cho con

Lâu nay, kỳ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp luôn là cuộc chạy đua khốc liệt. Điều này cũng dễ lý giải khi số lượng dân cư tập trung tại các thành phố ngày càng cao. Riêng bậc tiểu học, TP Hà Nội có hơn 791.200 học sinh. Trong khi theo điều lệ trường tiểu học, mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Nhiều năm qua, tình trạng quá tải sĩ số lớp của Hà Nội luôn là vấn đề phải bàn mà chưa có lời giải. Nhiều quận trên địa bàn thành phố có sĩ số lớp vượt quá mức quy định như các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy…

Trước tình trạng chạy đua vào lớp 1 cho con, trao đổi với phóng viên, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc nhiều phụ huynh cho con học tiền tiểu học. Bởi theo TS Hương, con trẻ có tận 5 năm để làm quen dần với việc học hành. Trong 5 năm tiểu học đó, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các con làm quen.

“Chương trình học lớp 1 là bắt đầu từ đầu. Tất cả các tiết học của trẻ sẽ phải được tiến hành đầy đủ cho dù học sinh đã biết chữ trước hay chưa. Điều này được quy định trên toàn quốc và giáo viên không được phép thay đổi. Giáo viên cũng không có đủ kiến thức và kĩ năng để thay đổi bài giảng. Điều đó có nghĩa là dù trẻ học trước hay không học trước thì các bài học vẫn được diễn ra hoàn toàn từ đầu. Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 là thừa. Các giáo viên lớp 1 đã nhận diện về trẻ học trước hay không cũng sẽ có mặt bằng kiến thức bằng nhau sau 2 tháng nhập học”, TS Hương cho biết và phân tích nhiều hệ lụy khác khi học sinh học trước như: các con sợ học, ghét học, chán nản và phá phách.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Sơn - chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, trẻ ở lứa tuổi này khi bước vào lớp 1 sẽ là một cú sốc đầu đời khi chuyển môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học. Ngoài áp lực học tập, thời gian đầu các con còn đối diện với hai áp lực: môi trường học và bạn bè nên nhiều trẻ thiếu động lực tới trường, mất hứng thú học tập. Vì vậy, theo chuyên gia này, ở bậc tiểu học thay vì cho trẻ học trước, hãy tạo động lực cho trẻ bằng việc trẻ tự khám phá, tò mò. Động lực này khác với động lực của người lớn là kết quả.

NGUYỄN HOÀI