Quản lý, giám sát an toàn cho trẻ mầm non

PHƯƠNG CHI 12/03/2023 07:58

Mới đây, vụ việc bé trai 17 tháng tuổi tử vong do bị bảo mẫu bạo hành tại một cơ sở trông trẻ tự phát một lần nữa dấy lên nỗi  lo nguy cơ mất an toàn từ nhóm trông trẻ nhỏ lẻ, hoạt động “chui”. Thực trạng này đòi hỏi ngành chức năng phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, bên cạnh đó các bậc phụ huynh cần thận trọng trong việc lựa chọn nơi gửi gắm con em mình…

Giáo viên mầm non cần có lòng yêu mến trẻ và phải được đào tạo bài bản. Ảnh: L.C.

Không thể lấy lý do áp lực

Vụ việc bé trai 17 tháng tuổi ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội bị hai bảo mẫu của một cơ sở trông, giữ trẻ tự phát bạo hành dẫn đến tử vong đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai bảo mẫu Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi, cùng trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) để điều tra vụ bạo hành. Được biết đây là một cơ sở trông giữ trẻ không phép.

Trước đó, tháng 1/2023, Công an TPHCM đã tiến hành điều tra về tội giết người quy định tại Điều 123 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) tạm trú tại chung cư Lê Thành (P. Tân Tạo, Q. Bình Tân), người đã có hành vi bạo hành, đánh vào đỉnh đầu dẫn đến một bé 6 tháng tuổi bị dập não, nguy kịch. Do không có việc làm nên Võ Thị Mỹ Linh đã tự nhận trông trẻ tại nhà.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hệ thống văn bản pháp luật để quản lý việc tổ chức, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nói chung, cơ sở mầm non ngoài công lập nói riêng đã được ban hành khá toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành tại các địa phương, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự thường xuyên, chặt chẽ nên để xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục thời gian qua. Do đó cần nhìn nhận lại việc xử lý vi phạm, phải thật sự nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe.

Trước sự việc trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT lưu ý, không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia giáo dục trẻ mầm non. Có 2 yếu tố tiên quyết, thứ nhất phải có lòng yêu mến trẻ, thứ hai phải được đào tạo bài bản chứ không thể tay ngang.

Về những ý kiến cho rằng giáo viên mầm non lương thấp, hàng ngày phải chăm sóc hàng chục trẻ quấy khóc, khi về lại còn gia đình, con cái, rất nhiều áp lực nên dễ nảy sinh tâm trạng tiêu cực. Ông Nhĩ cho rằng, bất cứ nghề nào cũng có áp lực, việc lựa chọn là sự tự nguyện của mỗi cá nhân. Trông giữ trẻ cũng vậy, nếu làm thì giáo viên phải xem bản thân có đủ yêu mến trẻ không, thực sự yêu thì hãy quyết định. Khi đã quyết định, giáo viên phải tự học hỏi, nâng cao kiến thức, để có phương pháp giáo dục đúng đắn, không thể lấy lý do vì áp lực.

Phải tìm hiểu kỹ nơi gửi con

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, bạo lực trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép khá phổ biến từ trước đến nay. Cho nên sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố phải rà soát lại, kiểm tra lại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không đăng ký, không được cấp phép để đình chỉ.

Theo ông Nam, một “lỗ hổng” khác cần sớm khắc phục để ngăn chặn các vụ việc bạo hành tại các nhóm trẻ mầm non tự phát đó là việc cha mẹ thiếu những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ em, phụ huynh thiếu quan tâm đến con, nhất là các cháu ở độ tuổi quá nhỏ, chưa biết nói hoặc chưa có khả năng tự bảo vệ mình.

Để ngăn chặn các vụ bạo hành trẻ em, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học đưa ra một giải pháp có thể cân nhắc, đó là lắp hệ thống camera giám sát nối trực tiếp từ cơ sở giữ trẻ tới trụ sở công an xã, phường. Hệ thống này phải được hoạt động thường xuyên, bảo trì liên tục, lắp đặt ở nhiều góc độ, giúp ngăn ngừa các hành vi bạo hành trẻ từ bảo mẫu. “Cũng không thể không nhắc, các bậc phụ huynh cần quan tâm, quan sát mọi biểu hiện bất thường của trẻ khi về nhà. Nếu trẻ có hiện tượng sợ đến lớp, cha mẹ phải tìm hiểu ngay, có thể hỏi chéo để biết con mình là trường hợp cá biệt hay không. Phụ huynh còn có thể tìm hiểu, đánh giá cơ sở trông giữ trẻ và bảo mẫu (cơ sở vật chất, giấy phép hoạt động, thái độ ứng xử…) có đủ tin cậy trước khi giao phó con cho họ hay không”, ông Hiếu lưu ý.

Nhìn nhận từ hệ thống giáo dục mầm non hiện nay, có thể thấy, sự thiếu hụt về trường lớp và giáo viên cũng là yếu tố khiến trẻ em có nguy cơ bị bạo hành khi được bố mẹ gửi ở những cơ sở không đảm bảo về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo số liệu của Bộ GDĐT, cả nước thiếu gần 100.000 giáo viên, trong đó, thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non. Sau đại dịch Covid-19, với hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, giáo viên bỏ nghề nhiều nhất cũng ở bậc mầm non. Cùng đó, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư thì trường mầm non công lập chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều nơi có 30-40% nhu cầu gửi trẻ phải trông chờ vào trường, lớp tư thục; thậm chí, có nơi chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu học của trẻ.

Nhằm góp phần hạn chế tình trạng quá tải trường lớp, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT) đề xuất, các địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt trong xây dựng quy hoạch. Nhất là với các khu đô thị mới, khu công nghiệp, bắt buộc phải có quỹ đất để xây trường, tránh tình trạng như hiện nay là nhiều khu đô thị, khu công nghiệp “quên” xây trường học cho các em.

PHƯƠNG CHI