Nếu đi đến tận cùng ngôi làng, bạn sẽ thấy nhân loại ở đó
Từ đầu năm đến nay, hàng ngàn lễ hội truyền thống đã diễn ra trên khắp cả nước mang lại những sinh hoạt văn hóa đặc sắc cho các cộng đồng dân cư. Nhiều lễ hội đã thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế. Đó là một tín hiệu tích cực. Là người theo đuổi đề tài về lễ hội suốt từ năm 2005 đến nay, nhiếp ảnh gia Lê Bích cho rằng vẫn còn một số hạn chế trong các lễ hội. Vì thế, cần nâng cao nhận thức, trình độ và nghiệp vụ cũng nhưng công tác tổ chức của Ban quản lý lễ hội tại địa phương.
PV: Tham gia nhiều lễ hội, anh có nhận xét gì về mùa lễ hội năm nay? Sau mấy năm tạm dừng do Covid-19, thì các lễ hội đã có gì đổi khác?
Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Sau Tết tôi đã đi khá nhiều lễ hội. Thường các lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ cách 3-5 năm mới mở hội lớn, tổ chức rước linh đình. Tuy nhiên năm nay, nhiều làng tổ chức hội lớn bù vào năm bị hoãn do đại dịch Covid-19. Đi và nhận ra một điều, năm nay, nhiều lễ hội ở miền Bắc về mặt thủ tục và cơ cấu lễ hội cơ bản không có gì khác. Nhưng số lượng người tham dự có đông hơn và tâm lý người tham gia lễ hội đa phần đều hồ hởi và vui tươi hơn.
Anh có thể dẫn chứng cụ thể hơn? Ý tôi là về sự thay đổi từ những lễ hội mà anh đã đến trong mùa xuân năm nay?
- Tôi thấy một số lễ hội đã được thắt chặt phần an ninh, như Lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) đã hạn chế phần nào cảnh “cướp” mảnh chiếu ở sân đình. Hoặc lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ) tiếp tục cho tạm dừng việc “cướp phết” ngoài ruộng.
Về sự thay đổi tích cực tôi thấy một số lễ hội đã đầu tư nhiều hơn về trang phục và bổ sung nhiều trò chơi phần hội. Ví như lễ hội 5 làng Mọc ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vừa được đưa và danh sách bảo tồn cấp quốc gia, thì những người tham gia hội mặc trang phục đẹp, phần cờ lọng rất uy nghi. Thêm vào đó công tác truyền thông cũng được làm tốt nên đã có nhiều người biết hơn về lễ hội.
Tuy vậy, có một vấn đề chung tồn tại trong hầu hết các lễ hội, đó là do lượng người đông nên việc an ninh trật tự và rác thải luôn có vấn đề. Đặc biệt là việc xả rác nơi công cộng.
Vậy để giữ gìn được nét đẹp văn hóa từ những lễ hội truyền thống, thì đâu là điều cần thay đổi? Từ cộng đồng dân cư, từ chính quyền địa phương, hay từ ngành văn hóa?
- Lễ hội là kết tinh văn hóa có từ lâu đời và truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên có nhiều lễ hội bị gián đoạn do chiến tranh, đói nghèo… Sau này khi đất nước hòa bình, kinh tế phát triển nhiều lễ hội được khôi phục lại. Vì khôi phục lại theo tư liệu sử sách ít ỏi và truyền miệng nên tôi nghĩ không thể vẹn nguyên như xưa và có nơi bị biến tướng. Ví dụ như Lễ hội Ná Nhèm ở Lạng Sơn. Căn cứ những bức ảnh tư liệu thì phần rước Tàng Thinh (bộ phận sinh dục nam và nữ) xưa làm nhỏ nhưng giờ làm lớn có tính phô trương và bắt chước quốc gia khác. Tôi có tìm trong sách "Dư địa chí", các cụ ngày xưa có ghi chép lại cách chức tổ chức lễ hội khá chi tiết nhưng chỉ có lời và ít hình vẽ minh họa. Để có một lễ hội chuẩn mực phụ thuộc lớn vào nhận thức, năng lực và tiềm lực kinh tế của Ban tổ chức lễ hội, cụ thể là những người dân và chính quyền ở địa phương nơi lễ hội diễn ra.
Anh có thể nói cụ thể hơn?
- Có một ví dụ gây tranh cãi như việc quan họ hát trên thuyền ngửa nón quai thao xin tiền khách, bản thân một số địa phương cũng chưa thống nhất là cấm hoặc không cấm. Để giải quyết người tổ chức cần có chiều sâu văn hóa, cơ sở lý luận và có uy tín ở địa phương. Một ví dụ nữa, như việc rước kiệu Bà trong hội xưa phải là con gái chưa chồng nay việc này khó áp dụng nên đã linh hoạt hạ thấp tiêu chuẩn con gái khỏe mạnh là được.
Cá nhân tôi thấy lễ hội là dành chủ yếu cho cộng đồng dân cư tại địa phương đó, họ là chủ thể thụ hưởng - ngoại trừ những lễ hội để làm du lịch hoặc có tính chất quốc gia. Do vậy cần có các hoạt động nâng cao nhận thức, trình độ và nghiệp vụ cũng nhưng công tác tổ chức của Ban quản lý lễ hội tại địa phương. Các cơ quan chuyên môn cần có cố vấn cụ thể về từng địa phương cho việc thực hành nghi lễ để đảm bảo đúng tinh thần lễ hội truyền thống.
Công tác an ninh trật tự của lễ hội luôn có vấn đề do vậy cần có những tổ đội chuyên nghiệp làm việc này. Thêm vào đó việc chặt chém ở lễ hội năm nào cũng có mà chưa giải quyết triệt để.
Điều anh vừa nói làm tôi chợt nhớ tới ý kiến của GS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL). Mới đây, trong một cuộc trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, giáo sư có nói rằng, cần có những tác động tích cực để lễ hội truyền thống trở thành nguồn tài nguyên du lịch phát triển. Trong đó, giáo sư cũng đề cập đến một số nghi thức như chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), và cho rằng cần tôn trọng các nghi thức dân gian vì đó là các giá trị văn hóa, là nét riêng của từng lễ hội. Cá nhân anh nhìn nhận những câu chuyện này thế nào?
- Tôi thấy ý kiến của GS Trương Quốc Bình rất xác đáng. Tôi cũng về lễ hội Ném Thượng nhiều năm, thấy đây là một lễ hội truyền thống có nhiều nét đặc sắc, thú vị. Việc nuôi “ông” lợn được người dân nuôi cả năm, khi đến lễ hội thì dâng lên Thành hoàng làng qua thủ tục chém ở sân đình. Tuy vậy do dư luận xã hội không đồng tình nên dân làng đã không tổ chức “chém” công khai mà đưa vào sau đình làm kín. Việc này đã dung hòa hợp lý. Như vậy để thấy chính quyền và dân đã tiếp thu ý kiến và vận dụng linh hoạt để đảm bảo đủ thủ tục mà vẫn vui. Hơn 8.000 lễ hội trên khắp cả nước cho thấy sự đa dạng về văn hóa, vì thế cần có sự vận dụng linh hoạt theo từng địa phương. Tối nhấn mạnh là nâng cao năng lực của địa phương hơn là ra mệnh lệnh hành chính.
Tôi biết, đến nay bộ ảnh về lễ hội của anh khá là đồ sộ. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về lý do cá nhân khi dành thời gian để theo đuổi đề tài này?
- Tôi đã chụp lễ hội từ năm 2005 và cho đến nay, vẫn chưa có ý định dừng lại (cười). Với hàng ngàn lễ hội trải dài quanh năm, trải rộng trên toàn quốc nên tôi chỉ lo không đủ sức khỏe để đi chụp. Tuy vậy tôi có chọn lọc, tập trung những lễ hội đặc sắc, lễ hội có nguy cơ mai một hoặc lễ hội cần phải có sự điều chỉnh tốt lên. Tôi muốn đóng góp ý kiến cá nhân qua ảnh và báo chí nhằm cho lễ hội tốt hơn. Nếu không ghi chép lại những lễ hội tôi thấy có lỗi với tiền nhân. Quá nhiều thứ đẹp đẽ quy tụ ở đây.
Ngoài lễ hội, thì nhắc đến Lê Bích, còn là nhắc đến bộ ảnh giếng làng, rồi làng nghề truyền thống. Anh có thể chia sẻ về một số dự án này?
- Chụp ảnh giếng làng là dự án dài hơi, hiện tôi đã chụp hơn 200 giếng nước trên cả nước. Tôi muốn khai thác sâu để về làng Việt qua nghề truyền thống, giếng cổ, lễ hội….
Vì sao anh nặng lòng với làng Việt như thế? Anh có thể chia sẻ những cảm nhận mai một, biến đổi khi trở lại một ngôi làng nào đó? Từ đó, anh có mong muốn gì?
- Có một câu nói mà tôi luôn ghi tâm: “Nếu bạn đi đến tận cùng ngôi làng bạn sẽ thấy nhân loại ở đó”. Khi về làng tìm hiểu tôi thấy mình hiểu rõ xã hội thực tại hơn, giúp tôi ứng xử đúng và phù hợp. Tôi muốn chia sẻ điều này để mọi người cùng có hành động tích cực mang lại kết quả tốt cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn anh!
Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Anh từng là thành viên quản trị diễn đàn ảnh www.photo.com.vn. Tháng 12/2015 Lê Bích đã thực hiện triển lãm ảnh cá nhân lần đầu tiên mang tên “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” nhân ngày Di sản Việt Nam tại 42-44 Hàng Bạc-Hà Nội. Tháng 2/2016 triển lãm ảnh cá nhân lần 2 mang tên “Làng nghề đón Xuân”. Tháng 8/2016, Lê Bích thực hiện triển lãm ảnh cá nhân lần 3 mang tên “Những người giữ hồn trung thu” tại Hà Nội.
Anh từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh, trong đó có: Giải nhì cuộc thi ảnh “Tôi gìn giữ vẻ đẹp” với bộ ảnh “Nghệ nhân thêu Vũ Giỏi” do Davines Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Đẹp thực hiện (2015), giải khuyến khích Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại-Lĩnh vực báo chí lần thứ 2 - năm 2015, giải nhất và giải nhì cuộc thi ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” do Truyền hình Nhân Dân tổ chức (2016, 2018); giải nhất cuộc thi ảnh “Di sản và Văn hóa toàn quốc” do Bộ VHTTDL tổ chức (2021)…