Người từ đủ 15 tuổi trở lên được đăng ký xe nhưng có được điều khiển xe?
Người từ đủ 15 tuổi trở lên được đăng ký xe, nhưng riêng nhóm đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được cha/mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Dự thảo thông tư cấp, đổi, thu hồi biển xe cơ giới của Bộ Công an cho biết, biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh).
Với chủ xe là người Việt Nam, biển số xe được quản lý theo mã định danh cá nhân; đối với người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của người nước ngoài; đối với tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của tổ chức hoặc mã số thuế.
Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì biển số xe đó được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Số biển số định danh này được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận thu hồi), quá thời hạn trên nếu chủ xe không đăng ký, cơ quan đăng ký xe sẽ thu hồi và đưa vào kho số để thực hiện đăng ký xe theo quy định.
Trường hợp chủ xe chuyển trụ sở, nơi cư trú đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác (sau đây gọi chung là di chuyển nguyên chủ) thì được giữ lại biển số xe đó (không phải đổi biển số xe).
Người từ đủ 15 tuổi trở lên được đăng ký xe, nhưng riêng nhóm đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải được cha/mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Từ 15 đến dưới 18 tuổi có được điều khiển xe không?
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ theo quy định và có giấy phép lái xe phù hợp. Cụ thể, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định độ tuổi của người lái xe như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2).
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC).
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD).
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Không đủ tuổi lái xe bị phạt bao nhiêu?
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với người lái xe khi chưa đủ tuổi, cụ thể:
- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
- Phạt tiền từ 1,2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô.
Đăng ký, cấp biển số xe lần đầu (thực hiện tại cấp tỉnh) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Trình tự thực hiện
Bước 1: Chủ xe đăng nhập cổng dịch vụ công kê khai các thông tin vào Giấy khai đăng ký xe điện tử (theo mẫu số 01A/58) và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua địa chỉ thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe.
Bước 2: Đến Phòng Cảnh sát giao thông và cán bộ đăng ký xe tiếp nhận và nhập mã hồ sơ đăng ký trực tuyến của chủ xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe để kiểm tra thông tin khai báo đăng ký trực tuyến của chủ xe; in Giấy khai đăng ký xe điện tử trên hệ thống.
Trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thì khai giấy khai đăng ký xe (mẫu 01) theo quy định.
Bước 3: Hướng dẫn chủ xe ký và ghi rõ họ tên vào Giấy khai đăng ký xe và dán bản chà số máy, số khung của xe vào Giấy khai đăng ký xe điện tử.
Bước 4: Kiểm tra thông tin của chủ xe:
Nhập số căn cước công dân, họ tên của chủ xe (đối với cá nhân), đổ dữ liệu căn cước công dân truyền sang cơ sở dữ liệu đăng ký xe; kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân của chủ xe: tên, địa chỉ chủ xe với nội dung thông tin về căn cước công dân trong Giấy khai đăng ký xe điện tử với giấy tờ của xe.
Kiểm tra, đối chiếu giấy tờ của người đến làm thủ tục đăng ký xe (đối với cơ quan, tổ chức).
Bước 5: Hóa đơn điện tử:
Truy cập hệ thống đăng ký, quản lý xe, nhập mã xác thực hóa đơn điện tử ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử để kiểm tra thông tin hóa đơn điện tử, in hóa đơn điện tử và kiểm tra, đối chiếu thông tin, nội dung hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp bán xe, địa chỉ, người mua xe và đặc điểm, thông số của xe với hồ sơ xe. Trường hợp chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu hóa đơn điện tử thì yêu cầu chủ xe nộp hóa đơn bán xe theo quy định.
Bước 6: Chứng từ lệ phí trước bạ điện tử:
Truy cập hệ thống đăng ký, quản lý xe, tìm kiếm mã hồ sơ lệ phí trước bạ điện tử ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử; tải và in dữ liệu điện tử lệ phí trước bạ và kiểm tra, đối chiếu nội dung hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ điện tử: thông tin của chủ xe (tên, địa chỉ), thông tin của xe (nhãn hiệu, số loại, số máy, số khung, loại xe), biển số xe (nếu có), giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ, số tiền lệ phí trước bạ, ngày nộp lệ phí trước bạ với hồ sơ xe.
Bước 7: Chứng từ nguồn gốc điện tử:
Truy cập hệ thống đăng ký, quản lý xe, tìm kiếm chứng từ nguồn gốc của xe ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử, tải và in dữ liệu điện tử về chứng từ nguồn gốc của xe. Kiểm tra, đối chiếu nội dung thông tin dữ liệu tờ khai hải quan điện tử, thông tin dữ liệu xe sản xuất lắp ráp trong nước với nội dung ghi tại Giấy khai đăng ký xe điện tử và hồ sơ xe.
Bước 8: Trường hợp hồ sơ không đảm bảo thủ tục theo quy định, thông tin dữ liệu điện tử không đầy đủ, không đúng so với hồ sơ xe hoặc không có thông tin dữ liệu điện tử: cán bộ đăng ký phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ một lần và ghi nội dung bổ sung vào Phiếu hướng dẫn bổ sung thủ tục đăng ký xe; ký, ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó.
Bước 9:
a) Trực tiếp đối chiếu nội dung trong giấy khai đăng ký xe với thực tế xe, gồm: Nhãn hiệu, loại xe, số máy, số khung, màu sơn, số chỗ ngồi, số chỗ đứng, số chỗ nằm, năm sản xuất, tải trọng và các thông số kỹ thuật khác; kiểm tra toàn bộ, chi tiết hình dáng kích thước, tổng thành khung, tổng thành máy của xe;
Trường hợp cơ quan Hải quan xác nhận xe chỉ có số VIN, không có số máy, số khung thì lấy số VIN thay thế cho số khung (chụp ảnh số VIN thay thế cho bản chà số khung), đóng số máy theo biển số.
Bước 10: Nhập thông tin chủ xe, thông tin xe vào hệ thống đăng ký, quản lý xe; cập nhật trạng thái: xe tạm nhập tái xuất, xe miễn thuế, xe được cơ quan đăng ký giải quyết đóng lại số khung, số máy (nếu có), xe thế chấp ngân hàng.
Bước 11: Hướng dẫn chủ xe kiểm tra thông tin: Chủ xe và xe, cấp biển số ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe theo quy định; ghi biển số vào giấy khai đăng ký xe.
Bước 12: Cấp giấy hẹn cho chủ xe; trường hợp chủ xe có yêu cầu chuyển chứng nhận đăng ký xe qua Bưu điện thì hướng dẫn chủ xe làm thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển phát chứng nhận đăng ký xe.
Bước 13: Thu lệ phí đăng ký xe theo quy định.
Bước 14: Trả biển số xe (hướng dẫn chủ xe lắp biển số vào vị trí theo thiết kế của xe); trường hợp xe ô tô chỉ lắp được 2 biển số dài hoặc 1 biển ngắn và 1 biển dài thì cho đổi biển số xe, kinh phí chủ xe chi trả theo quy định.
Bước 15: Hướng dẫn chủ xe kẻ, ghi biển số, khối lượng chuyên chở, khối lượng bản thân, tên chủ xe đối với các loại xe ô tô theo quy định.