Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được khởi công xây dựng tháng 1/2018, cầu bắc qua sông Đuống có chiều dài hơn 1,5 km với tổng mức đầu tư 1.927 tỷ đồng. Sau gần 5 năm thi công, đến nay dự án đã hoàn thiện được khoảng 85% tiến độ. Theo thiết kế, cầu có hình dáng kiến trúc 5 vòm mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Theo phối cảnh thiết kế, mỗi thân rồng sẽ có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm. Cầu được thiết kế 5 nhịp vòm thép, nhịp cao nhất tính từ mặt cầu lên tới đỉnh vòm là 67 m cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Điểm đầu cầu Phật Tích thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) và điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành). Phần cầu dẫn được thiết kế rộng 22,5 m, mỗi bên hai làn xe hỗn hợp. Mỗi bên có thêm một làn rộng 2 m, cao 1,75 m so với mặt cầu để cho người đi bộ ngắm cảnh, tham quan. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc điều hành dự án cầu Phật Tích cho biết, hạng mục kết cấu cầu dẫn và cầu chính đã hoàn thành 100% khối lượng công việc, đơn vị nhà thầu đang tập trung thi công nhịp vòm thép cuối cùng, dự kiến thông xe vào cuối tháng 6/2023. "Do kết cấu nhịp vòm thép của cây cầu rất cao, diện tích mặt cầu cũng bị hạn chế, vì vậy việc cẩu các thiết bị lên cầu để thi công gặp nhiều khó khăn. Đơn vị nhà thầu đã phải huy động cần cẩu nặng 800 tấn để phục vụ thi công hạng mục nhịp vòm thép của dự án", ông Tuấn nói. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua quốc lộ 1, quốc lộ 38, quốc lộ 5, quốc lộ 17...
Lê Khánh