Mở lối tín dụng đối với bất động sản
Khi ngân hàng thực hiện chủ trương siết cấp tín dụng cho các dự án bất động sản (BĐS) để thanh lọc thị trường, hạ sốt tăng giá thì cũng tạo áp lực đối với doanh nghiệp (DN), kể cả với người mua nhà.
Trên thực tế, thị trường BĐS muốn ổn định không chỉ phụ thuộc vào dòng vốn của chủ đầu tư dự án mà còn nhờ vào dòng tiền vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp, khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Tại Hà Nội, TPHCM và một số đô thị lớn, thời gian qua nhiều dự án BĐS gần như đã bị “đóng băng”. Bởi, hầu hết người mua nhà do phải vay vốn từ ngân hàng đã phải phụ thuộc rất lớn vào các động thái về lãi suất vay. Bên cạnh đó, khi siết cấp tín dụng, các ngân hàng cũng buộc phải tăng lãi suất khoản vay cá nhân.
Với cơ chế tín dụng hiện nay, lãi suất đã tăng lên mức rất cao, vượt 10%/năm, có ngân hàng áp dụng 14-15%. Điều này đã khiến không ít nhà đầu tư thứ cấp và kể cả khách hàng cá nhân đã thua lỗ và rơi vào nợ nần do không thể gồng được các khoản nợ. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu duy trì việc quy định siết cho vay mua nhà ở và áp dụng định mức lãi suất cao như hiện nay sẽ chỉ khiến thị trường BĐS đã gặp khó lại càng khó khăn hơn trong thời gian tới. Đó là chưa kể một số địa phương như TPHCM lại đề xuất về thí điểm tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với đất ở, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng từ bất động sản thứ hai. Chính quyền TPHCM cho rằng việc thí điểm này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án BĐS và là cơ sở xây dựng chính sách chung trong tương lai gần. Dự thảo dù đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tư pháp thẩm định nhưng sau đó đã đề nghị TPHCM chưa thí điểm vì nhiều lý do. Trước đó, Bộ Tài chính cũng góp ý chưa nên thực hiện thí điểm việc đánh thuế với nhà ở, đất ở thứ hai vì lo ngại không đảm bảo công bằng trong nhiều trường hợp. Nhiều ý kiến bộ, ngành cũng cho rằng, trên thực tế giá trị nhà ở, đất ở dù có chênh lệch rất lớn nhưng nếu đánh thuế vào bối cảnh thị trường đang gặp khủng hoảng hiện nay sẽ khiến không ít trường hợp BĐS có giá trị dù không lớn nhưng lại thuộc đối tượng chịu thuế và ngược lại. Do đó, việc áp dụng thí điểm có thể dẫn đến hiệu quả ngược trong điều tiết thị trường.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, đại diện nhiều bộ, ngành cũng cho rằng các giải pháp về pháp lý, tín dụng...dù thiết thực hiện nay nhưng sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu các DN BĐS không giải quyết được tình trạng nhà xây xong vẫn không bán được. Giải pháp đánh thuế cao dù hạ nhiệt tăng giá nhà đất nhưng lại khiến nguồn cầu thị trường ảm đạm hơn, còn DN thì “ôm hàng, đóng băng”.
Hơn bao giờ hết, việc quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS trong bối cảnh chủ đầu tư bị siết nguồn cấp tín dụng; người mua nhà phải gồng gánh các khoản vay đang là nhu cầu bức thiết cần phải được ưu tiên nhiều hơn để sớm phục hồi thị trường. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cũng cần gắn với các khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực BĐS trong giai đoạn hiện nay.