Giáo viên dạy tích hợp: Cơ sở đào tạo chủ động bắt nhịp
Ở năm học 2022-2023, cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT đều đã bước vào chương trình GDPT mới. Đặc biệt ở cấp THCS, cái khó khi dạy những môn học tích hợp là giáo viên phải học thêm kiến thức của những môn khác.
Đào tạo theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới
Bà Hoàng Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, với sách giáo khoa lớp 7 mới, kiến thức môn khoa học tự nhiên thay đổi hoàn toàn, tích hợp rất nhiều. Mỗi giáo viên phụ trách một phân môn mới đảm bảo kiến thức, còn đảm trách 3 phân môn cần có thêm thời gian để học tập, bồi dưỡng. Trên thực tế, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp, các giáo viên đều phải tham gia các lớp tập huấn. Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là các khóa đào tạo chứng chỉ tích hợp ngắn hạn đều khó đảm bảo chất lượng, khi thực tế một giáo viên phải mất 4 năm học tập, ra trường mới chỉ đủ năng lực giảng dạy đơn môn.
Đứng trước thực trạng chung nêu trên, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã chủ động bắt nhịp. Từ năm 2019, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã mở ngành đào tạo Sư phạm, Khoa học tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Năm 2022, chỉ tiêu đào tạo của 2 ngành này lần lượt là: 180, 200 sinh viên.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng chú trọng đào tạo sinh viên theo định hướng của chương trình GDPT mới. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay, chủ trương này được triển khai từ năm 2015. Theo đó, sinh viên được bồi dưỡng, tập huấn bổ sung về đổi mới chương trình GDPT mới trước khi tốt nghiệp. Từ năm 2020, giáo sinh được bồi dưỡng các mô-đun hướng dẫn thực hiện chương trình mới như bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán.
Phụ thuộc kế hoạch của các trường
Mới đây, cử tri tỉnh Bắc Giang nêu vấn đề việc thực hiện giảng dạy các môn tích hợp bậc THCS còn nhiều khó khăn, bất cập đối với giáo viên. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) triển khai kịp thời kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy liên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy các môn tích hợp trong nhà trường.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, xác định các môn tích hợp nói trên là những môn học mới, Bộ đã hướng dẫn các nhà trường, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Ngoài ra, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã được Bộ GDĐT hướng dẫn, tập huấn từ nhiều năm qua (Công văn số 5555, 4612) và tiếp tục được áp dụng khi dạy học theo chương trình mới. Từ chương trình hiện hành, việc khai thác các nội dung bài học từ nhiều khía cạnh theo hướng tích hợp đã được triển khai từ nhiều năm qua.
Theo ông Sơn, thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới, từ năm 2019 đến nay, Bộ GDĐT đã triển khai biên soạn tài liệu và tập huấn cho giáo viên cốt cán cả nước các mô-đun bồi dưỡng cho giáo viên về Chương trình GDPT (do Chương trình ETEP phối hợp với các trường ĐH sư phạm và các đơn vị liên quan đảm nhiệm). Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 2454 và 2455 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý.
Như vậy, đối với mỗi giáo viên, việc dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn không có gì thay đổi lớn so với chương trình hiện hành. Việc thay đổi chủ yếu nằm ở kế hoạch giáo dục của nhà trường, đã được Bộ GDĐT hướng dẫn (Công văn số 5512, 2613, 3699) và được các nhà trường triển khai thực hiện.