Nhiều người thích thú với loại hình hàng 'chuẩn auth' mà không màng đến tác hại
Với những lời cam kết, khẳng định chắc nịch từ người bán về loại hàng "chuẩn auth" đều là hàng chính hãng hoặc do nhà máy làm chuẩn 1:1 như auth khiến cho nhiều người không màng đến việc xâm phạm quyền thương hiệu mà bất chấp mua những món đồ này vì giá rẻ.
Hàng "auth tuồn" chiếm sóng các trang bán hàng online
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), hiện có trên 1.100 doanh nghiệp đăng ký website bán hàng qua mạng và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) thông qua các sàn giao dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, con số chưa đăng kí còn nhiều hơn và đặc biệt là mở rộng ở khắp mọi trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Tiktok, Youtube... Có rất nhiều chủng loại sản phẩm mà người bán hàng online tự do có thể kinh doanh, từ các sản phẩm gia dụng, dân dụng, các mặt hàng thực phẩm công nghiệp hoặc tự làm, từ hàng nhái, hàng giả cho đến hàng hiệu cao cấp...
Hiện nay, vì cơ quan quản lý chưa thực sự có phương án quản lý hiệu quả, sâu sát, thế nên thị trường TMĐT, đặc biệt là kinh doanh tự do qua mạng xã hội vẫn còn rất phức tạp, thậm chí được xem là “thả nổi”.
Trên mạng xã hội, thời gian vừa qua một loại bán hàng rất "hot" và đặc biệt được những người "sành điệu" ưa chuộng có tên gọi là "hàng tuồn". Theo tìm hiểu, đây là loại hàng chính hãng (Authentic) tuy nhiên bị một số lỗi nhỏ về mác, cắt chỉ nhưng chất liệu và kiểu dáng thật 100%.
Khi được hỏi mua và tư vấn về sản phẩm một shop chuyên bán hàng "chuẩn auth" được tuồn ra ngoài, người bán hàng chia sẻ: "Sản phẩm mình bán không phải auth pick store (mua tại cửa hàng chính hãng) hay auth sale (hàng chính hãng giảm giá) mà là hàng từ nhà máy làm chuẩn 1:1 như hàng auth, vẫn có đầy đủ tag, hộp như tại hãng". Đặc biệt những đối tượng mà shop này nhắm đến chủ yếu là những khách có nhu cầu xài đồ fake muốn giống hàng auth mà giá lại chấp nhận được.
Vậy "chuẩn auth" mà shop lý giải ở đây là gì? Nhiều người mua hàng đã nhầm lẫn sản phẩm "chuẩn auth" hay "auth tuồn" đều là hàng chính hãng 100%. Tuy nhiên, định nghĩa về hàng authentic lại ghi rằng, đây là hàng chính hãng, do chính công ty sáng lập sản xuất ra. Những sản phẩm này đều đảm bảo được độ tiêu chuẩn đạt mức tối đa để có thể đưa đến tay người sử dụng. Vì vậy, những sản phẩm lỗi, hỏng, không được nhà sản xuất sử dụng và mang ra ngoài đều không được tính là hàng authentic.
Trong khi đó "chuẩn auth" cũng là một thuật ngữ đánh lừa người mua hàng tin rằng đó là hàng thật và shop bán hàng "bằng một cách nào đó" đã gom được. Tuy nhiên có thể hiểu "chuẩn auth" ở đây nghĩa là hàng nhìn chuẩn giống như hàng authentic.
Vì hiện không có quá nhiều người bán loại hình này và việc được khẳng định chắc nịch về sản phẩm "không hề fake" nên nhiều người mua hàng đã "tin tưởng" tuyệt đối vào shop mà không tra hỏi kỹ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của sản phẩm.
Trong đó có nhiều mặt hàng bị cấm, hành vi bán hàng vi phạm pháp luật (hàng ăn cắp từ nhà máy sản xuất) vẫn diễn ra nhan nhản khi người bán hàng nói lời ngon ngọt rằng đây là tuần chuẩn auth, ôm được lô lỗi nên đẩy nhanh khiến khách hàng thích thú vì ngỡ mua được hàng hiệu giá rẻ
Phát cuồng vì đồ hiệu "nhái"
Những sản phẩm thời trang xa xỉ đến từ các thương hiệu đắt đỏ, đã không chỉ những người có tiền mới có thể sở hữu. Những người bình thường hoàn toàn có thể sở hữu bằng nhiều cách khác nhau. Đó cũng nguyên nhân khiến cho các shop bán hàng "chuẩn auth" ngày càng phát triển, có thể dễ dàng tìm mua ở nhiều trang mạng xã hội hay sàn TMĐT khác nhau.
Chị N.T.L. (27 tuổi, Hưng Yên) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, là một người thích mua sắm nhiều quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu. Chị cho biết, vì gia đình cũng có kinh tế nên từ trước đến giờ những món đồ chị mang đều là hàng auth và có giá tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên khi đã đi làm kiếm tiền và tự lập hơn, việc bỏ ra một số tiền lớn để mua quần áo, giày dép hàng hiệu là một điều rất khó, đôi khi vượt quá chi tiêu của chị.
"Mình được một người chị giới thiệu cho một tài khoản trên facebook chuyên bán hàng auth tuồn, chị ấy cho mình xem những sản phẩm đã mua ở đấy. Khi so sánh với những món đồ hiệu mà mình đang sở hữu, thật sự là không hề thấy điểm khác biệt. Nếu có thì cũng chỉ là một lỗi vô cùng nhỏ, phải soi kĩ lắm mới thấy được", chị L. cho hay.
Sau khi được giới thiệu về những sản phẩm này, chị L. đã bắt đầu đặt hàng tại shop, thời gian nhận hàng tuy có lâu hơn trực tiếp mua hoặc được ship đến trước đó tuy nhiên những sản phẩm mà bản thân chị L. mua tại shop này đều rất ưng ý.
Chị L. chia sẻ: "Mình vẫn thi thoảng mua đồ hiệu, tuy nhiên cũng xen lẫn với việc mua cả hàng auth tuồn và dần trở thành khách ruột của shop. Ngay cả khi mình sử dụng những món đồ này khi đi ra ngoài hay đi làm, mọi người cũng đều nghĩ đó là hàng hiệu chính hãng mà không hề có ai nghi ngờ gì cả".
Giá cả của các loại hàng auth tuồn này sẽ thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng. Tuy nhiên, khách hàng lại có thể yên tâm về kiểu dáng cũng như chất lượng có nó, ngang ngửa với hàng tiêu chuẩn. Do vậy, nhiều người tiêu dùng ở mức trung bình khá cũng dễ dàng sở hữu cho mình một mặt hàng thương hiệu.
Khi được hỏi tại sao đã dùng hàng hiệu rồi mà lại mua những sản phẩm "không chính hãng" này điều đó đồng nghĩa với việc không tôn trọng quyền tác giả, chị L. cho biết được người bán giới thiệu đây là hàng chính hãng 100%, phát hiện fake đền tiền nên cũng tin tưởng. Tuy nhiên kể cả có là fake đi chăng nữa thì khó ai phát hiện nên chị L. vẫn thường xuyên sử dụng.
Không chỉ những người đã đi làm, nhiều bạn học sinh vì muốn "đua đòi" sử dụng hàng hiệu mà cũng bất chấp mua hàng "auth tuồn". Bạn Kim Anh (17 tuổi, Hà Nội), đang là học sinh tại trường cấp 3 khu vực Cầu Giấy chia sẻ: "Do không có tiền sở hữu món đồ chính hãng nên em thường sẽ mua hàng auth tuồn, hàng xuất dư (hãng làm thừa số lượng) để sử dụng. Những món đồ này chỉ có giá vài trăm nghìn trong khi hàng auth có giá lên tới vài triệu hay vài chục triệu".
Câu chuyện chống lại hàng giả vẫn chưa đi đến hồi kết
Nhiều năm qua, Pháp là một trong những quốc gia tích cực chống vấn nạn sử dụng hàng nhái, hàng giả. Bảo tàng hàng nhái Musée de la Contrefaçon được xem là một trong những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao nhận thức người dân. Mỗi năm, Musée de la Contrefaçon hợp tác hải quan Pháp và các tổ chức thu giữ hàng trái phép, đem về trưng bày, nhằm giúp mọi người phát hiện sản phẩm kém chất lượng. Không chỉ thông qua bảo tàng, châu Âu còn nỗ lực phát hiện, xử lý hàng trái phép mỗi năm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, một số đối tượng đã có hành động đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, một số đối tượng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro, để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện. Mặc dù các vụ việc vi phạm đã được các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối trên toàn thế giới, không riêng gì tại Việt Nam.