Luật định quy trình chặt chẽ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều ưu điểm, song vẫn còn một số tồn tại hạn chế tại các căn cứ, điều kiện và quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, chưa rõ nét về sự tham gia của người dân và cộng đồng vào vấn đề này.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã kế thừa ưu điểm của Luật Đất đai hiện hành, đồng thời có lược bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng nhằm phù hợp với điều kiện thực tế. Ông đánh giá thế nào về những ưu điểm của dự thảo Luật?
GS.TS Lê Hồng Hạnh: Có thể nói dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể hiện sự cố gắng lớn của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu, khắc phục những hạn chế của các bản dự thảo trước đây. Những sửa đổi liên tiếp cho thấy sự phức tạp của Luật Đất đai. Đây là lĩnh vực rất khó bởi liên quan đến một tài sản gắn với cuộc sống của bất cứ ai, chủ quyền của quốc gia, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước... Dự thảo Luật đã có những tháo gỡ nhất định trong các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là trong các Điều từ 116-128 điều chỉnh thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đặc biệt, dự thảo Luật đã thể hiện được mức độ nhất định yếu tố dân chủ trong việc giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một số ưu điểm nữa của dự thảo Luật về tính thực tiễn, nhận thức đối với những hạn chế của Luật Đất đai 2013 ở những khía cạnh việc giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng rất đáng được lưu ý.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này còn tồn tại những hạn chế, bất cập gì, thưa ông?
- Theo tôi, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn thiên về tăng cường quản lý với cán cân lệch hẳn sang yếu tố siết chặt quản lý nhà nước như các văn bản luật trước đây. Điều này có nghĩa là trong tương lai quản lý nhà nước về đất đai vẫn vậy. Chúng ta có thể nhận thấy tình trạng tham nhũng, vi phạm của một số cơ quan quản lý ngày càng nghiêm trọng trong thời gian qua và khó có thể khắc phục bằng các quy định như hiện nay trong dự thảo.
Quản lý và sử dụng đất đai không được thực hiện với sự tham gia thực chất của người dân thì khó mang lại hiệu quả và thúc đẩy phát triển. Trao quyền cho người sử dụng đất, cho cộng đồng sử dụng đất là yếu tố mà dự thảo Luật cần đảm bảo bằng những quyền và nghĩa vụ cụ thể. Đất đai là sở hữu toàn dân thì yếu tố dân chủ, quyền của người dân phải thấm đượm sâu rộng trong toàn bộ dự thảo. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thấy bóng dáng rõ nét về sự tham gia của người dân, cộng đồng. Các căn cứ, điều kiện và quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai chưa được quy định cụ thể mà giao cho cơ quan lập pháp quy định chi tiết. Điều này dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, tham nhũng đất đai do thiếu sự kiểm soát ngay từ luật.
Ông có những góp ý cụ thể gì về hạn chế của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định của dự thảo được tối ưu nhất?
- Tôi cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần khắc phục được những hạn chế trong các quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cụ thể tại Điều 116 quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa cho thấy quy hoạch có phải là căn cứ giao đất hay không? Kế hoạch sử dụng đất chỉ là thành tố trong quy hoạch, có tính ngắn hạn và chưa được xác định cụ thể. Câu hỏi đặt ra việc giao đất, cho thuê đất dựa trên kế hoạch sử dụng đất có phù hợp không? Tương tự như vậy, kế hoạch sử dụng đất của huyện là căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất qua đấu giá, đấu thầu liệu có phù hợp? Lưu ý rằng kế hoạch này dễ dàng bị thay đổi bởi ý chí của lãnh đạo địa phương. Vấn đề nữa là nhiều dự án lớn có sử dụng đất được đấu thầu có quy mô lớn, diện tích đất lớn liệu có nằm trong kế hoạch sử dụng đất của huyện không?
Giải pháp cho những câu hỏi nêu trên ở khía cạnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là phải luật định những căn cứ cơ bản, những quy trình chặt chẽ cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo rằng kết quả đấu thầu, đấu giá được phê duyệt phải phù hợp hoàn toàn với quy hoạch sử dụng đất không dễ dàng bị điều chỉnh bởi chính quyền các cấp.
Điều 121 về chuyển mục đích sử dụng đất chưa cho thấy việc chuyển đổi mục đích sử dụng loại đất nào có thể được thực hiện, không cần cơ quan có thẩm quyền cho phép. Những liệt kê các loại đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép gần như không còn chỗ cho việc người sử dụng đất tự chuyển mục đích. Chẳng lẽ, người sử dụng đất chuyển đổi diện tích đất ở sang đất trồng cây cũng phải xin phép điều chỉnh mục đích sử dụng đất; hay trong khuôn viên của mình chuyển một phần đất vườn do tổ tiên để lại làm đất ở cho con, cháu cũng phải điều chỉnh quy hoạch. Tôn trọng, bảo vệ quyền của người dân đòi hỏi phải có những đảm bảo cần thiết để người dân có thể thực hiện các quyền của người sử dụng đất được quy định trong các luật, nhất là Luật Đất đai.
Trân trọng cảm ơn ông!