Tuyển sinh ngành sư phạm: Mừng đầu vào, lo đầu ra?
Chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm của Nghị định 116/2020/NĐ-CP là một trong số nguyên nhân tác động tới sức hút nhóm ngành sư phạm trong hai mùa tuyển sinh gần đây. Tuy nhiên, khi triển khai, quy định này vẫn còn khoảng cách với thực tế.
Nhiều trường bị nợ kinh phí đào tạo
Theo Bộ GDĐT, hiện cả nước có 330 cơ sở đào tạo với khoảng 25 lĩnh vực đào tạo. Đứng ở vị số 1 về tỉ lệ tuyển sinh là lĩnh vực Kinh doanh và quản lý với 24,54%. Tiếp đến là lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, với tỉ lệ tuyển sinh là 11,79%. Vị trí số 3 thuộc về Công nghệ kỹ thuật với 9,18%.
Thông tin đáng chú ý là lĩnh vực khoa học GDĐT giáo viên trình độ đại học có tỉ lệ tuyển sinh 5,09%, xếp ở vị trí thứ 7 trong nhóm 10 lĩnh vực đào tạo có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất, thu hút thí sinh quan tâm nhiều nhất trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022.
Cụ thể, đã có 32.265 thí sinh trúng tuyển nhập học vào ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học. Số thí sinh trúng tuyển nhập học vào ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng là 6.650 em.
Nhìn lại mùa tuyển sinh 2021, trong số 265 mã ngành tuyển sinh có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên, nhóm ngành sư phạm vươn lên bất ngờ ở vị trí thứ hai với 64 ngành.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra một trong số nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt hằng tháng cho sinh viên sư phạm của Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ năm 2021.
Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học; được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đây là sự đầu tư không nhỏ, cho thấy sự quan tâm hàng đầu của Nhà nước đối với ngành sư phạm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tới thời điểm này, số sinh viên nhận được số tiền hỗ trợ trên không nhiều. Thực tế ở một số địa phương, một số trường sư phạm phải đối mặt khó khăn khi công tác giải ngân chi phí sinh hoạt bị chậm trễ.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, với các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên cấp trung ương, kinh phí chi trả học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp. Nhưng vấn đề này chưa có hướng giải quyết đối với một số trường đại học, cao đẳng địa phương.
Ông Tuân nêu thực tế từ năm 2021 triển khai Nghị định 116, đến nay chuẩn bị bước vào năm học thứ 3, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chưa được nhận kinh phí để chi trả cho sinh viên.
Khó khăn này trường nhiều lần kiến nghị, nhưng Bộ GDĐT cho biết ngân sách do địa phương trả. Trong khi đó, địa phương lại khẳng định không đặt hàng nên không có nguồn kinh phí ngân sách cấp cho trường này. Hiện trường gặp nhiều khó khăn.
Năm học 2021 - 2022, hơn 500 sinh viên Trường Đại học Thủ đô có nhu cầu và làm đơn đề nghị hưởng cũng như cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến nhà trường. Hết năm học, những sinh viên này vẫn không nhận được khoản chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116 quy định.
Ông La Thanh Hùng, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Sài Gòn cũng thông tin, hiện đang chậm chi trả hai khoản hỗ trợ cho sinh viên ngành sư phạm là do các tỉnh, thành chưa hoàn thành hợp đồng đặt hàng đào tạo với trường.
Do đó, trước mắt, sinh viên gặp khó khăn khi tạm ứng học phí cần làm đơn theo hướng dẫn của trường để được xem xét hỗ trợ. Riêng khoản trợ cấp sinh hoạt, trường phải chờ giải ngân từ các địa phương.
Nỗi lo việc làm
Không chỉ chậm nhận được hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm vẫn chưa thực sự yên tâm về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp.
Vụ việc 22 tân cử nhân sư phạm hệ chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức phải chật vật tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp là một ví dụ. Đây là những sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp từ Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm của Trường Đại học Hồng Đức.
Tháng 7/2022, nhà trường đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành chức năng đề nghị xây dựng kế hoạch tuyển dụng sinh viên đã tốt nghiệp từ đề án trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ đề án vẫn chưa được tuyển dụng. UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp giải quyết cho số sinh viên sư phạm chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức.
Về vấn đề này, theo ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GDĐT Nam Định, Nghị định 116 quy định sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em đương nhiên trở thành giáo viên sau khi ra trường, vì vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.
Khi tuyển dụng, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển, trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” lại không thấy có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng theo Nghị định 116.
Ông Hùng nhìn nhận, việc đầu vào và đầu ra chưa đồng bộ và tương thích khiến sinh viên và cả địa phương e dè vì trách nhiệm. Đây là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn.
Liên quan tới việc một số trường đại học sư phạm ở địa phương thắc mắc về kinh phí đào tạo sinh viên đang bị chậm chi trả, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 116 quy định rõ, các trường đại học, cao đẳng sư phạm địa phương thuộc sự quản lý của tỉnh, thành phố chi trả kinh phí. Đồng thời, Luật Ngân sách không cho phép ngân sách trung ương cấp trực tiếp về các trường đại học, cao đẳng địa phương.
TP Hà Nội cần có trách nhiệm chi trả kinh phí này cho trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Bộ GDĐT nhiều lần gửi văn bản sang UBND TP Hà Nội về vấn đề này. Rút kinh nghiệm sự việc này, Thứ trưởng Sơn cho biết, năm nay, địa phương nào không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì Bộ GDĐT sẽ không cấp chỉ tiêu cho các trường thuộc địa phương đó. Đây là vấn đề trách nhiệm của cả hai phía địa phương và nhà trường.