Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi thấy mình may mắn
Là con gái của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm văn chương được độc giả yêu thích. Trong vai trò của người đứng đầu Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ bắt đầu có những cuộc đổi mới trong sưu tập hiện vật gắn với nhà văn tổ chức, trưng bày, đặc biệt là việc phối hợp mở tour tham quan bảo tàng.
Tôi như người đi ngược quá khứ
PV: Thưa nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, tôi có chút tò mò muốn nghe bà kể về Bảo tàng Văn học, về tâm trạng của bà khi về làm Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam?
Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ: (Cười) Phải nói là có nhiều bất ngờ. Tôi đang làm ở một nơi rất sôi động là Đài Truyền hình Việt Nam, thông tin cập nhật từng phút, và chuyên môn chính ở đấy từ những năm 1990 đến 2020 là làm phim. Năm 2021, tôi về bảo tàng. Một chốn đầy ắp tinh thần và giá trị của văn học, nhưng không khí hoàn toàn trái ngược.
Ở bảo tàng, tôi như người đi ngược lại quá khứ, gặp lại những giá trị vĩnh cửu, thay vì công việc cũ là xây dựng mới những giá trị văn hóa thông qua những bộ phim. Tôi thấy mình may, là luôn được làm những việc tôi thích và bước đi trên những con đường mới đầy khám phá. Mở những kho tàng văn chương, dù trước đã học, đã biết nhưng chưa thực sự sống cùng nó. Giờ, tôi có điều kiện để hiểu hơn giá trị của những tác phẩm văn học, giá trị mà nhà văn đã để lại cho cuộc sống, dù họ đã đi rất xa.
Trước tôi cũng đến Bảo tàng Văn học Việt Nam nhưng chỉ như một người khách tham quan, thấy cái hay, cái chưa hay. Giờ, tôi là người đứng đầu nơi này, tiếp nhận lại từ người tiền nhiệm đã bỏ nhiều công sức tâm huyết xây dựng lên bảo tàng văn học, tôi luôn thôi thúc làm sao có nhiều người đến đây, sống trong không khí văn chương này - dù chỉ một vài giờ.
Vậy thì trong góc nhìn của bà, đâu là điều tạo nên sức hấp dẫn, thu hút công chúng đến với Bảo tàng Văn học Việt Nam?
- Tôi cho rằng, sức hấp dẫn của Bảo tàng đầu tiên phải nói đến chính là nội dung trưng bày. Đây là nơi lưu giữ, bảo quản và giới thiệu những di sản văn học gắn với các tác giả, tác phẩm - những tinh hoa văn hóa của đất nước, góp phần tạo nên dấu ấn quốc gia, niềm tự hào dân tộc. Phần nữa, không gian trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam gồm cả ngoài trời và trong nhà, được đánh giá là đặc sắc, sang trọng, với nhiều ý tưởng hấp dẫn, kết hợp giữa cảm xúc trực tiếp và công nghệ hiện đại... Từ năm 2021, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để nhiều người biết đến bảo tàng. Rất nhiều du khách đã bày tỏ thực sự ngỡ ngàng trước những di sản văn chương đồ sộ của dân tộc hiện hữu tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Từ một nơi được cho là đã “ngủ quên”, giờ thì Bảo tàng Văn học Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn công chúng. Như bà vừa nói, trong những nỗ lực, có nỗ lực đẩy mạnh truyền thông…
- Tôi đã đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều cách, lập Facebook, trang web, mở thêm tour du lịch văn học - để kể những câu chuyện về hiện vật, về cuộc đời, sự nghiệp nhà văn theo cách khác. Khách tham quan bình thường sẽ đến từng tầng của bảo tàng, quan tâm đến gì họ thích, có thuyết minh giới thiệu về hiện vật.
Còn tour du lịch văn học mới khởi động gần đây thì sao?
- Tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” được chúng tôi phối hợp thực hiện, khởi động vào tháng 12/2022 lại đón khách theo cách khác. Là chúng tôi cùng mở cổng bảo tàng, đến những góc để nghe nhà thơ hát một bài hát phổ nhạc từ một bài thơ, hay một trích đoạn diễn xuất từ một tác phẩm văn học nổi tiếng lâu nay mọi người quen tiếp xúc qua văn bản… Sản phẩm du lịch văn học này khai thác tối đa di sản văn học của các danh nhân, nhà văn Việt Nam.
Tour du lịch sẽ có những cách kể, cách tiếp cận văn chương khác biệt để những di sản văn chương đến gần với công chúng, sống trong đời sống đương đại. Hiện vật trưng bày, những nhân tài văn chương đất Việt hội tụ tại bảo tàng đã được sáng tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách và ươm mầm tài năng văn học trẻ. Ngoài những tour tại bảo tàng, trong thời gian tới, Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm.
Và số lượng khách đến bảo tàng đã tăng bất ngờ?
- Vâng, rất vui, là số khách tới bảo tàng tăng nhanh. Năm 2021, số lượng khách tham quan Bảo tàng bằng gần 10 năm trước đấy và phần lớn mọi người cảm nhận được giá trị của văn học… Rất nhiều du khách đã bày tỏ thực sự ngỡ ngàng trước những di sản văn chương đồ sộ của dân tộc hiện hữu tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Một việc cơ bản của Bảo tàng, đấy là sưu tầm hiện vật. Phần lớn nhà văn lớp trước viết tay, bản thảo giao cho nhà xuất bản xong là xong. Ít người giữ lại lắm. Rồi những hiện vật quý gắn với đời sống, đời viết... chúng tôi vẫn miệt mài tìm và sưu tầm để làm dày thêm cho Bảo tàng những hiện vật quý.
Thời gian qua, chúng tôi còn kết hợp với một số đơn vị như: Dự án “Se sẽ chứ...” - một dự án nghệ thuật nhằm giữ gìn, tưởng nhớ và lan tỏa giá trị thơ - trọn vẹn ba buổi một ngày xoáy sâu vào chuyên đề về nhà thơ Xuân Quỳnh và tình yêu, với nhiều cách thể hiện khác nhau; hợp tác với các bảo tàng bạn tổ chức những hoạt động giao lưu; kết hợp với Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với nhiều dự án rất đặc biệt; cùng các trường trung học tổ chức cho học sinh tham quan và xem phim chân dung các nhà văn..., nhằm tạo điều kiện tốt nhất để công chúng đến với bảo tàng và tiếp cận tài liệu, hiện vật một cách dễ dàng. Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức một số triển lãm chuyên đề, tọa đàm, hội thảo về tác giả, tác phẩm. Hay tham gia trưng bày hiện vật nhân Lễ hội Thơ Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long vào rằm tháng Giêng năm 2023.
Tôi thấy có một xu thế là các bảo tàng lớn đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, trưng bày… nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Bảo tàng Văn học Việt Nam chắc hẳn không nằm ngoài xu thế đó?
- Tất nhiên rồi! (cười). Với mong muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và trưng bày của bảo tàng, chúng tôi đã đi tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng dự án, nhưng do việc ứng dụng công nghệ rất phức tạp, đòi hỏi chi phí cao, cần thời gian và nhiều nguồn lực hỗ trợ về kinh phí thực hiện. Hiện chúng tôi đang đào tạo đội ngũ cán bộ cho phù hợp với yêu cầu mới, đồng thời chuẩn bị nội dung để có thể bắt kịp sự phát triển của xu thế. Một trong những hạng mục của dự án do Hội Nhà văn Việt Nam trình Chính phủ là bảo tàng số và phim chân dung về các nhà văn qua nhiều thời kỳ.
Viết giúp tôi được sống một cuộc đời khác
Công việc ở Bảo tàng sôi động thế, liệu có lấy đi mất một nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ của nhiều độc giả đã từng say mê, gửi gắm kỳ vọng sau những truyện ngắn “Hậu thiên đường”, “Cát đợi”, “Mùa thu vàng rực rỡ”…?
- Tôi vẫn viết chứ (cười). Vì chỉ có viết, tôi mới được giải tỏa. Cuộc sống của tôi có nhiều niềm vui, như quây quần bên con cháu, làm những việc mình yêu thích, có thời gian, không gian đọc sách xem phim, có nhiều bạn tốt… Nhưng, viết khiến tôi đi vào một đời sống khác, với thế giới khác, chỉ có tôi ở đó cùng nhân vật của mình.
Vậy bà thường sáng tác vào thời gian nào trong ngày?
- Tôi thường nghĩ về một truyện rất lâu, nhưng viết lại nhanh. Xong lại để khá lâu rồi mới biên tập. Tôi không cố định giờ viết. Khi suy nghĩ thật chín, tôi viết thôi. Có thể viết tay, có khi viết bằng điện thoại, hoặc máy tính. Tôi luôn tự nhận, mình chưa chuyên nghiệp trong việc viết, là phải ngồi vào bàn hàng ngày, đặt việc viết như việc làm cố định. Mà thực ra, cần như vậy, mới có thể hoàn thiện được rất nhiều ý định, đề cương dang dở. Nhất là với mấy cuốn tiểu thuyết để mãi không ưng ý, cũng chưa biên tập… Đã vậy, tôi lại ham xem phim, đọc sách nên một ngày luôn kín bưng.
Ở thời điểm này, viết văn với bà có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi được sống thêm cuộc đời khác, trong những thế giới khác rộng lớn, phong phú, không thực tế như đời sống thật hiện thực mỗi ngày. Trong thế giới đó, tôi được là mình nhất.
Khi nào bà định ra mắt sách mới?
- Đúng là tôi bị lỡ hạn ra sách, do loay hoay xem nên in tiểu thuyết hay tập truyện vừa. Bản thảo xong cũng lâu rồi. Và còn một tập tản văn... Đứng trước một năm mới, thấy dài rộng, nhưng hóa ra rất nhanh và ngắn. Năm nào cũng tự hứa sẽ xuất bản một cuốn, loay hoay thế nào lại lỡ…
Tôi chỉ thích khoảng 50% tác phẩm được trao giải Nobel
Thưa nhà văn Thu Huệ, tôi cũng muốn hỏi bà, trong tư cách vừa là một nhà văn đương đại, vừa là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn, về khát khao văn chương Việt vượt ra ngoài biên giới. Nhiều người vừa rồi bàn luận khá rôm rả về thông tin Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố danh sách đề cử Giải Nobel Văn học năm 1972. Trong danh sách này có tên một nhà thơ Việt Nam: thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Câu chuyện cho thấy giấc mơ Nobel đã từng tồn tại trong các nhà văn Việt Nam. Hỏi thật, bà có bất ngờ với thông tin “giải mật” trên không và suy nghĩ của bà về sự kiện này?
- Ai cũng có quyền mơ ước về sản phẩm của mình tạo ra sẽ được đón nhận, cho dù, ban đầu, họ sáng tác cho chính mình trước. Cho mình trước. Cho mọi người sau. Được nhận những giải thưởng, càng vui. Tôi đã đến Thụy Điển, thăm nơi hàng năm diễn ra lễ trao giải Nobel, cũng hiểu quy chế và cách Ban giám khảo làm việc, thì việc có tên nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong đề cử là điều đáng mừng. Tức là thế giới nói chung hay hội đồng chấm giải Nobel đã nghe và biết ở Việt Nam có một nhà thơ tên Vũ Hoàng Chương… Nếu trong tương lai, có thêm ai nữa, càng vui.
Văn chương đương đại của Việt Nam, bà thấy những tác giả - tác phẩm nào xứng đáng được ứng cử giải thưởng Nobel danh giá?
- Giám khảo nào, giải thưởng đấy. Tôi không thể lấy tiêu chí của người khác để đánh giá tác phẩm theo sở thích của mình. Tôi đọc khá nhiều tác phẩm được giải Nobel, nhưng chỉ thích khoảng 50% số đã đọc, còn lại không lý giải được. Đơn giản, do gu của mình khác họ. Thế nên, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ xem, tác phẩm văn học Việt Nam nào sẽ được giải Nobel. Nếu tôi có quyền trao giải của tôi, theo tiêu chí đọc của tôi, chắc năm nào cũng có, ít nhất 1 cuốn.
Dòng chảy văn chương đương đại của Việt Nam có như kỳ vọng của bà không?
- Dòng chảy văn chương đương đại theo góc quan sát của tôi, qua việc đọc các tác phẩm thời gian vừa qua, không hề đứt gãy. Năm nào cũng có những cuốn rất đáng đọc, đáng cất trân trọng trên giá sách. Tôi không lấy chuẩn từ những tác phẩm được coi là đỉnh cao của quá khứ để soi chiếu vào ngày nay. Mỗi giai đoạn lịch sử, văn học mang những khuôn mặt riêng. Và, việc đọc hay cảm về tác phẩm, gu mỗi người mỗi khác.
Nói đến đời sống văn học thì đầu tiên phải nói đến nhà văn - chủ thể sáng tạo. Với đội ngũ sáng tác văn học nước ta hiện nay, bà thực sự ấn tượng với các tác giả, tác phẩm đương đại nào?
- Đội ngũ phong phú, nhiều nhà văn lớp đàn anh, hay cùng thế hệ với tôi vẫn có tác phẩm cá nhân tôi đánh giá xuất sắc. Đặc biệt là lớp trẻ, rất tiềm năng, có thể thấy qua mấy giải văn học trẻ những năm vừa rồi.
Những năm gần đây, tôi ấn tượng với những tác phẩm của nhà văn: Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Y Ban, Thùy Dương, Lý Lan, Trần Thùy Mai, Nguyễn Việt Hà, Trung Sỹ, Bình Ca… Lớp trẻ hơn có Đinh Phương, Lê Vũ Trường Giang… Còn nữa, không ít đâu.
Hiện nay có rất nhiều tác phẩm văn chương được xuất bản, tuy nhiên người ta cũng đặt ra vấn đề về sự chênh giữa số lượng tác phẩm thì quá nhiều trong khi chất lượng tác phẩm còn hạn chế. Suy nghĩ của bà về vấn đề này ra sao?
- Mỗi tác phẩm, mỗi thể loại văn học đều có độc giả riêng. Tôi không so sánh giữa tác phẩm bán trăm nghìn bản thì hay hơn tác phẩm chỉ bán vài nghìn bản và ngược lại. Văn học cũng như những loại hình nghệ thuật khác luôn có độ lùi về thời gian. Chưa nói đến nhiều tác phẩm phù hợp xu thế và một lượng người đọc quen, và có những tác phẩm cần đọc chậm, đọc nhiều lần vẫn thấy mới. Suy cho cùng, tất cả quyết định do gu đọc của mỗi người.
Nhưng, có một thực tế, là so với điện ảnh, hay những chương trình ca nhạc lớn của các nghệ sĩ, tác phẩm văn học chưa được truyền thông tốt, nên nhiều cuốn sách rất đáng đọc lại không được nhiều người biết nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin mạng hiện nay.
Cũng có không ít ý kiến cho rằng, văn chương đương đại chưa đặt ra được những vấn đề lớn của thời đại. Quan điểm của của bà?
- Tôi không thấy như vậy. Vấn đề lớn trong văn chương - cụ thể là vấn đề gì, nếu không xuất phát từ thân phận con người đặt trong bối cảnh lịch sử mà họ sống. Tôi vẫn đánh giá cao những tác phẩm văn học, trước tiên văn phải hay, hấp dẫn, chứa đựng nhiều thông điệp mà mỗi người đọc đều thấy một khía cạnh nào đấy ám ảnh khiến họ suy ngẫm. Nếu ai đấy cố viết về một vấn đề lớn, nhưng văn không hay, không hấp dẫn, người đọc không đi đến cùng với tác phẩm, thì dù có mang đề tài lớn tới đâu cũng thất bại vì họ bỏ ngang sách không đọc nữa…
Còn văn hay, lại khai thác đề tài lớn, thì quá mừng cho người đọc và nền văn học nước nhà. Tôi dám chắc năm nào văn chương Việt cũng có tác phẩm hay sẽ sống mãi với thời gian…
Theo bà, chúng ta phải thúc đẩy sáng tác như thế nào để những tác phẩm lớn ra đời? Hàng năm, các trại sáng tác vẫn hoạt động, nhiều cuộc thi được phát động, bà thấy hoạt động này có hiệu quả không?
- Những hoạt động của trại sáng tác cũng có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc nhà văn đi trại sáng tác dài ngày thay vì 7 hay 15 ngày như lâu nay. Đi ngắn ngày quá, chỉ đủ giao lưu hoặc hoàn thiện tác phẩm ngắn gọn nếu đã viết đề cương hay chưa hoàn thiện. Ngày trước, nhà văn thường đi thực tế, sống và cảm nhận nơi mình định viết về đề tài nào đó.
Các cuộc thi viết tiểu thuyết hay truyện ngắn luôn cần, tuy bản chất việc viết là tự thân nhà văn, nhưng nếu có cuộc thi, sẽ khích lệ nhiều nhà văn tham gia, sẽ có tác phẩm hay được giải. Tôi cho rằng, đó cũng là một cách thúc đẩy sáng tác để có những tác phẩm lớn.
Trân trọng cảm ơn bà!