Tôi lớn lên cùng ca khúc Phạm Tuyên
Bài hát đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với tôi vào Tết Trung thu năm 1956. Ngày ấy tôi là cô bé lên 5 cất cao giọng hát cùng cả đám trẻ con phố cổ: “Tùng dinh dinh! Tùng tùng tùng dinh dinh/ Đây ánh sao vui, ánh sao sáng ngời…”. Miệng hát mà tay không có đèn ông sao, chỉ được đi theo các anh các chị rước đèn quanh hồ Hoàn Kiếm. Thế là cũng đủ vui sướng lắm rồi!
Lời ca tươi sáng
Bài hát “Chiếc đèn ông sao” được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đúng dịp Tết Trung thu đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Từ đấy cứ đến Tết Trung thu, cùng với tiếng trống múa sư tử, bài hát “Chiếc đèn ông sao” lại vang lên rộn ràng. Trẻ em người lớn đều hát và đều không biết tác giả bài hát là nhạc sĩ Phạm Tuyên - người con trai út của nhà văn hóa Phạm Quỳnh (1892 - 1945) một vị quan đại thần triều Nguyễn.
Tuổi thơ ai cũng yêu thích ca hát. Thời niên thiếu của tôi lớn lên trong âm điệu và lời ca tươi sáng của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng/ Đây thời niên thiếu hát ca vang lừng...”. Những năm tháng ấy đời sống thiếu thốn, vất vả. Tuổi thơ tôi có nỗi buồn của cha mẹ vì cả nước bị chia cắt thành hai miền theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Thế mà mỗi khi cất tiếng hát “tưng bừng” và “vang lừng” tôi như được truyền niềm vui và lòng tự tin. Năm tháng qua mau, vào tuổi 14, 15 tôi lên đường đi học trong thời chiến. “Yêu biết mấy những con đường dạn dày lửa khói nặng tình thương…”.
Bài hát ấy đã nói hộ tình cảm của biết bao người phải sống “dạn dày lửa khói” mà lại “nặng tình thương” với bạn bè đồng đội, với gia đình quê hương. Nhạc sĩ Phạm Tuyên trong thời bình gọi tuổi thơ đi hội, trong thời chiến gọi tuổi trẻ lên đường. Tiếng hô “sẵn sàng” ở tuổi quàng khăn đỏ đã thành tâm lý “sẵn sàng” lên đường ra mặt trận. “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là “chiếc gậy Trường Sơn”/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui...”.
Những lời ca ấy đã đi vào tâm hồn tôi không chỉ tạo nên khí thế mạnh mẽ trong thời chiến mà còn tạo thành cốt cách sống trong thời bình.
Nếu có ai hỏi rằng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên có gì khiến bạn hát, bạn nhớ và bạn yêu thích? Tôi có thể trả lời rằng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên thường dễ thuộc dễ hát, hợp với tâm lý tuổi thơ. Ca khúc của Phạm Tuyên không chỉ tạo cảm giác vui vui chơi chơi mà khơi dậy trong đứa trẻ lòng tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Bài hát “Chiếc đèn ông sao” là một lời mời gọi, một sự khích lệ con trẻ đừng ngại ngần tham gia một đám rước đèn, dù cái đèn đó có “cán cao quá đầu” thì hãy mạnh dạn “em cầm đèn sao em hát vang vang” để dấn bước “Tùng dinh dinh! Tung tùng tùng dinh dinh!”. Câu hát là tiếng trống, là nhịp đi táo bạo của đứa trẻ nhập cuộc rước đèn. Tôi không hề quá khen khi nói rằng ca khúc Phạm Tuyên đã gieo mầm nội lực mạnh mẽ cho trẻ thơ để khi lớn lên tiếp tục rèn luyện bản thân: “Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi”.
Tôi yêu thích những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên từ thuở bé nên khi về công tác tại NXB Kim Đồng tôi rất vui sướng được gặp gỡ nhạc sĩ Phạm Tuyên. Được tham gia phục vụ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất (1981), được chứng kiến bài hát “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được chọn là bài hát chính thức của Đại hội, tôi vô cùng phấn khởi. Kể sao cho xiết niềm vui của các đại biểu thiếu nhi Nam - Bắc lần đầu tiên được hội ngộ cả nước, gặp nhau tay bắt mặt mừng và cùng hát vang “Hãy cất tiếng hát trong tình thân ái bao la”.
Tôi chợt nghĩ: Tình yêu thương, tình thân ái là tình cảm xuyên suốt các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ngày ấy ông mới ngoài 50 tuổi trẻ khỏe, chan hòa với tất cả anh chị em cán bộ Trung ương Đoàn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, NXB Kim Đồng khởi cuộc giao lưu với văn hóa Nhật Bản. Khi họa sĩ Noriko Matsui phổ biến nghệ thuật sách tranh Kamisshibai ở Việt Nam, ông Nguyễn Thắng Vu (Giám đốc NXB Kim Đồng ngày ấy) đã nảy ra ý tưởng nên có một bài hát về Kamisshibai. NXB Kim Đồng đã “đặt hàng” nhạc sĩ Phạm Tuyên, được nhạc sĩ vui vẻ nhận lời.
Nhà xuất bản đã cử một họa sĩ cầm bộ tranh Kamishibai đến nhà riêng của nhạc sĩ, biểu diễn cho ông xem. Thật bất ngờ, ngay sau đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã xuất thần sáng tác bài “Ai cũng thích Kamishibai”. Bài hát ngắn gọn giản dị mà đúng thần thái của nghệ thuật này:
“Vừa xem tranh vừa nghe cô kể.
Chuyện trên trời và chuyện quanh ta.
Bao điều mới lạ bao điều thật hay
Cô bảo rằng đó là Kamishibai!
Kamishibai, Kamishibai!
Trẻ em đều thích Kamishibai!
Kamishibai, Kamishibai.
Người lớn cũng thích Kamishibai!”
Ông Nguyễn Thắng Vu nghe bài hát thích quá, bèn cho dịch lời sang tiếng Nhật. Sau đó cho thu âm và phổ biến trong NXB Kim Đồng. Cả cơ quan hát tập thể như là “Kim Đồng ca”.
Năm 1994, bà Noriko Matsui và các bạn Hội Kamishibai Nhật Bản đã nhận được một món quà bất ngờ: Băng ghi âm bài hát “Ai cùng thích Kamishibai” song ngữ Nhật - Việt. Festival Kamishibai lần thứ nhất được NXB Kim Đồng tổ chức tại Nha Trang đã vang lên bài hát “Ai cùng thích Kamisshibai” trong không khí hào hứng chan hòa tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên qua hồi ức của con gái
Mùa xuân năm 2023 này, tôi rất vui mừng có trên tay cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con” của nhà báo Phạm Hồng Tuyến. Cuốn sách là hồi ức tuổi thơ của con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên về những khúc ca nổi tiếng viết cho thiếu nhi của cha. Đọc “Bài hát lớn lên cùng con” bạn đọc sẽ biết thêm nhiều điều thú vị về sự ra đời của những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong đó có bài được viết theo “đặt hàng” của con gái như “Trường của cháu đây là trường mầm non”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đề trong bài hát: “Tặng con gái Hồng Tuyến. Viết theo yêu cầu của chị Thục - Hiệu trưởng trường mầm non”. Tuy vậy khi một bài hát ra đời, nó có một đời sống riêng. Bài “Trường của cháu đây là trường mầm non” đã được hàng triệu đứa trẻ (trong đó có các con của tôi) hát véo von và lớn lên cùng bài hát ấy. Tác giả đã đề rõ ở trên bài “Ngây thơ, tự hào”:
Ai hỏi cháu: cháu học trường nào đấy?
Bé mà ngoan lại múa hát thật hay.
Cô là mẹ và các cháu là con.
Trường của cháu đây là trường mầm non.
Phải chăng không chỉ có con gái nhạc sĩ là “ tác nhân” trực tiếp để ông sáng tác bài hát này, mà còn có cả ảnh hưởng của người vợ hiền - bà Nguyễn Ánh Tuyết, PGS.TS chuyên ngành tâm lý học, chủ nhiệm đầu tiên của khoa Giáo dục Mầm non Trường Đai học Sư phạm Hà Nội.
Bài hát này đã được cô bé Phạm Hồng Tuyến 5 tuổi dõng dạc hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như một tiếng chim non gọi bạn. Hàng triệu người cha người mẹ, các cô giáo và các cháu bé đã hát bài hát này. Vào thời điểm bài hát ra đời ngành giáo dục mầm non ở đất nước ta đã thực sự là niềm tin cho hàng triệu gia đình Việt Nam mang con em đến trường gửi gắm.
Cuốn sách “Bài hát lớn lên cùng con” đã được nhà báo Phạm Hồng Tuyến viết trong bao cảm xúc bồi hồi nhớ về tuổi thơ, nhớ về những năm tháng khó khăn gian khổ của gia đình trong hoàn cảnh chung của đất nước. Cuốn sách là hình ảnh sống động của một gia đình nhà giáo trí thức nghệ sĩ - một tổ ấm đằm thắm tình yêu thương tha thiết.
Tôi nghĩ rằng nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã viết cuốn sách này không chỉ là để tròn chữ hiếu với người cha. Chị đã vì một lẽ lớn hơn được truyền lại từ chí nguyện của cả cha mẹ. Bởi ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên là những bài thơ theo dòng “Thi ngôn chí”. Những bài hát của ông là những bài thơ về chí làm người được kết tinh từ tình yêu thương. Điều kỳ diệu nhất là ông đã truyền cảm được cả tình và chí đến tận tâm hồn trẻ thơ.