90 tuổi vẫn rong ruổi phố phường
Gắn bó với nhiếp ảnh cả một chặng đường dài, nay tuổi 91 nhưng vẫn thấy bóng dáng quen thuộc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng một tay chống gậy, một tay cầm máy ảnh đi chầm chậm lên Hồ Gươm. Một đời tình nguyện kể chuyện về Hà Nội, đến nay ông vẫn lặng lẽ ghi vào ống kính những khoảnh khắc đẹp của Thủ đô.
Những bức ảnh kể chuyện
Một ngày đầu tháng 3, tôi tôi tìm đến căn nhà vỏn vẹn 10 mét vuông ở ngõ Hạ Hồi nơi nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đang sống. Vừa bước chân đến cửa, đã thấy ông bày sẵn những tập ảnh tâm đắc.
Ông hào hứng giới thiệu từ bức ảnh chụp những đứa trẻ trong ngày giải phóng Thủ đô 1954, tới bức ảnh chụp nét đẹp trong trẻo, thanh lịch của cô gái Hà thành, rồi thêm cả bức “Tóc mây” chụp năm 1990 được trao giải nhất Cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc... những tác phẩm đều là những nét đẹp tinh túy về Hà Nội, và cũng bởi ẩn sau đó là sự cống hiến mà nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2022), Quang Phùng vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Hỏi cảm xúc lúc được nhận danh hiệu ấy, ông bảo: “Danh hiệu đó quả thật là minh chứng cho giá trị những bức ảnh của tôi. Còn về phần tôi, ngày nào còn sức khỏe là ngày đó tôi còn tình nguyện chụp thêm nhiều bức ảnh cho Hà Nội”.
Quang Phùng sinh năm 1932, tại Hà Nội, trong một gia đình có bố là tri phủ Hoài Đức, mẹ là thục nữ nức tiếng Hà thành, bán giấy mực ở phố Hàng Gai. Ông từng là học sinh của trường Kỹ nghệ thực hành (do Pháp dạy). Năm 1948, Quang Phùng tham gia hoạt động nội thành Việt Minh. Bắt đầu chụp ảnh chuyên nghiệp từ năm 1952, năm 1954 ông được Việt Minh giao nhiệm vụ chụp ảnh các trại lính của Pháp trước khi bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô.
Sau ngày Thủ đô giải phóng, Quang Phùng tiếp tục con đường sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Ông từng đi theo con đường nhiếp ảnh “nghệ thuật vị nghệ thuật” nhưng sau đó từ bỏ để dấn thân vào con đường khó hơn, đó là chụp ảnh phóng sự, tài liệu. Những đề tài mà ông theo đuổi luôn là những vấn đề nóng hổi của xã hội, xoay quanh con người, môi trường... Ống kính Quang Phùng luôn ghi nhận hiện thực cuộc sống một cách rõ ràng, khiến người xem có lúc cảm thấy nhói lòng. “Nhiếp ảnh với tôi phải đóng góp một tiếng nói mang tính phản biện để tác động đến nhiều người, từ đó thay đổi được nhiều số phận”, nghệ sĩ Quang Phùng nói.
Quang Phùng ghi dấu ấn cá nhân bằng những bộ ảnh miệt mài thực hiện trong nhiều năm để qua những bức ảnh đóng góp một vài lời phản biện mong Thủ đô sẽ đẹp và hoàn thiện hơn. Triển lãm đặc biệt năm 2004, Quang Phùng đã gây xôn xao dư luận với bộ ảnh Ma túy lộng hành giữa thủ đô. Đây là bộ ảnh được ông coi là “bộ ảnh để đời” trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Vượt qua nỗi sợ luôn thường trực, ông đã mang đến công chúng một bộ ảnh về “cái chết trắng” giữa lòng Thủ đô như một lời thức tỉnh.
Sự nghiệp nhiếp ảnh của Quang Phùng còn có những bộ ảnh khác về các chủ đề như: Khoảng cách giàu nghèo, những gánh hàng rong trên đường phố, những cây cổ thụ bên Hồ Gươm, những cây cầu ngoại ô... cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ông đối với những vấn đề thời sự. Và cho đến hôm nay, dù tuổi đã cao nhưng mối bận tâm của ông về sự vận động của cuộc sống vẫn không thay đổi. “Mỗi ngày tôi vẫn xem ít nhất là 2 tờ báo giấy và 1 kênh truyền hình quốc gia để nắm bắt tình hình xã hội xem bản thân có góp ích được thêm điều gì không”, Quang Phùng nói.
Trách nhiệm của một công dân
Ở tuổi 91, với đôi chân phù nề do căn bệnh gout, dù di chuyển khá khó khăn nhưng ông vẫn chống gậy bước từng bước chậm rãi đi lên Hồ Gươm hay ra hồ Thiền Quang say mê ghi lại vẻ đẹp cũng như những khoảnh khắc bình dị trong cuộc sống.
Những ngày đẹp trời và sức khỏe cho phép, ông thường dạo bước bên Hồ Gươm, ngoài việc chụp ảnh ông còn làm một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng kể, khi thấy người nào đó chụp ảnh Hồ Gươm thì ông sẽ chụp họ trước rồi khoe họ, sau đó kể cho họ nghe về sự tích Hồ Gươm. Với Quang Phùng, Hồ Gươm luôn là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông.
Nhiều người hỏi ông chụp ảnh để làm gì? Ông đáp: “Tôi chụp ảnh để ghi lại ký ức. Trong cuộc sống này nhiều điều phải lo âu, suy nghĩ nên ký ức sẽ có một lúc nào đấy bị phai mờ, và nếu nó thành ảnh thì nó sẽ tồn tại”.
Một chặng đường gắn bó với nhiếp ảnh, cũng từng kinh qua nhiều công việc khác như nhà ngoại giao, nhà báo, chuyên gia sử học, giáo viên ngoại ngữ. Sự cống hiến của Quang Phùng có lúc lặng thầm, có khi được vinh danh nhưng không vì những thành quả đã đạt được mà ông quên đi nhiệm vụ của mình, đó là làm một công dân tốt.
Cũng giống như tinh thần trong nhiếp ảnh, ông không bao giờ coi nhiếp ảnh giống là một trò chơi: “Tôi chụp bằng được chứ không bao giờ chụp lấy được một bức ảnh”. Việc đánh giá một bức ảnh cũng như người nhiếp ảnh nằm ở giá trị tác động đến xã hội của nó. Người cầm máy hay người làm nghệ thuật cần phải góp tiếng nói của mình để dự báo những vấn đề xã hội, làm cho đời sống phát triển.
Giờ trong căn nhà nhỏ, người nghệ sĩ già vẫn tiếp tục công việc của mình. Với khối lượng ảnh tích lũy nhiều năm, “gia tài” đồ sộ chất chồng thấp chồng cao chính là những tư liệu quý giá mà Quang Phùng mong muốn để lại. Hàng ngày, ông vẫn cặm cụi viết chú thích cho từng bức ảnh để kể câu chuyện của riêng nó.
Cứ giản dị như vậy thôi, Quang Phùng nhìn cuộc sống không hoa mỹ, điều gì đáng chê thì chê cho đúng, điều gì đang sai thì phải chỉ ra để khắc phục. Những bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng là minh chứng cho một chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh lão làng, một công dân ưu tú của Thủ đô.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã được nhận các giải thưởng: Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (2002); Giải nhất Liên hoan ảnh Việt Nam lần thứ XVI (1990); Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (2013); Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (2022)...
Ông có nhiều bộ ảnh chuyên đề thú vị như: Hà Nội 36 phố phường; Hàng rong Hà Nội; Cây cầu và những cuộc sống ven sông... Năm 2011, ông ra mắt cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm”, in song ngữ Việt - Anh, với gần 100 bức ảnh.