Ngăn chặn khủng hoảng tài chính
Chính phủ Mỹ đã bắt đầu hành động, đưa ra các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tuyên bố phá sản và Signature Bank bị đóng cửa, có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn.
Nhanh chóng hành động
Cuối tuần trước, cả thế giới chấn động vì sự kiện ngân hàng SVB - một trong những nhà cho vay lớn nhất trong thế giới khởi nghiệp (start-up) công nghệ - của Mỹ buộc phải đóng cửa, sự kiện đã kéo theo nhiều mối hoài nghi về một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng trong bối cảnh nền tài chính toàn cầu đang có nhiều biến động. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ phá sản năm 2008 của Washington Mutual.
Trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng “chảy máu” tài chính đang diễn ra nhanh như thế nào, ngày 13/3, các nhà quản lý tiếp tục thông báo rằng, Ngân hàng tiền số (Signature Bank) có trụ sở tại New York cũng phá sản và bị tịch thu. Với hơn 110 tỷ USD tài sản, Signature Bank là ngân hàng lớn thứ ba sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ.
Cuộc khủng hoảng tài chính cận kề mà các cơ quan quản lý của Mỹ phải can thiệp để ngăn chặn khiến thị trường châu Á trở nên lo lắng, thể hiện trong phiên giao dịch ngày đầu tuần này. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,6% điểm trong phiên giao dịch buổi sáng, S&P/ASX 200 của Australia mất 0,3% điểm và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,4% điểm.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp khẩn cấp để củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Trong một tuyên bố chung, Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết, các khách hàng của SVB sẽ có quyền truy cập vào tất cả các khoản tiền gửi của họ bắt đầu từ ngày 14/3 và thiết lập một cơ sở mới để cung cấp cho các ngân hàng quyền truy cập vào các quỹ khẩn cấp.
“Đây sẽ là bước đảm bảo hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình là bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững” – trích tuyên bố chung của 3 cơ quan.
Trong một thông báo riêng, Fed đã công bố một chương trình cho vay khẩn cấp mở rộng nhằm ngăn chặn làn sóng tháo chạy có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Các quan chức của Fed mô tả chương trình này giống như những gì các ngân hàng trung ương đã làm trong nhiều thập kỷ: Cho hệ thống ngân hàng vay tự do để khách hàng tin tưởng rằng họ có thể truy cập vào tài khoản của mình bất cứ khi nào cần.
Kho bạc đã dành 25 tỷ USD để bù đắp bất kỳ tổn thất nào phát sinh theo cơ sở cho vay khẩn cấp của Fed.
Các nhà phân tích cho biết, chương trình của Fed sẽ phần nào làm dịu thị trường tài chính trong ngắn hạn và mang lại một số cứu trợ cho các công ty ở Thung lũng Silicon và thị trường toàn cầu, nhưng những lo ngại về rủi ro tài chính rộng lớn hơn vẫn còn và đặt ra nghi ngờ về việc liệu Fed có kiên định với kế hoạch tăng lãi suất mạnh hay không.
Vấn đề cốt lõi
Mặc dù các chính sách khẩn cấp của Fed đánh dấu sự can thiệp sâu rộng nhất của chính phủ vào hệ thống ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng các hành động tương đối hạn chế so với những gì đã được thực hiện 15 năm trước. Bản thân hai ngân hàng phá sản vẫn chưa được giải cứu.
Ngay trong tối ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết chắc chắn sẽ quy trách nhiệm cho những người gây ra mớ hỗn độn này và tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát và điều tiết các ngân hàng lớn hơn để thị trường không rơi vào tình trạng này một lần nữa.
Một số giám đốc điều hành nổi tiếng ở Thung lũng Silicon lo sợ rằng, nếu Washington không giải cứu ngân hàng bị phá sản, khách hàng sẽ tháo chạy khỏi các tổ chức tài chính khác trong những ngày tới. Thực tế là giá cổ phiếu của các ngân hàng khác phục vụ cho các công ty công nghệ như First Republic và PacWest đã giảm trong những ngày qua.
Bà Tiffany Dufu - người sáng lập và Giám đốc điều hành của The Cru, một nền tảng huấn luyện nghề nghiệp và cộng đồng dành cho phụ nữ và là một khách hàng của SVB - cho biết, cuộc khủng hoảng ngân hàng đang thử thách khả năng phục hồi của bà. Bà Dufu cho biết, tiền của công ty đang bị ràng buộc tại SVB, vì vậy bà phải trả lương cho nhân viên của mình từ tài khoản ngân hàng cá nhân. Tuy nhiên, bà cảm thấy nhẹ nhõm khi biết chính phủ có ý định bảo vệ sự an toàn cho khoản tiền gửi của các khách hàng của SVB.
SVB bắt đầu rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán khi khách hàng - phần lớn là các công ty công nghệ cần tiền mặt khi họ gặp khó khăn trong việc huy động vốn - đồng loạt rút tiền gửi. Ngân hàng đã phải bán lỗ trái phiếu để bù đắp cho việc rút tiền, dẫn đến sự sụp đổ lớn nhất của một tổ chức tài chính của Mỹ kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Bà Sheila Bair, cựu chủ tịch của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - nhớ lại rằng, khi đó gần như tất cả các ngân hàng đều phá sản, “chúng tôi đã bán một ngân hàng phá sản cho một ngân hàng lớn mạnh. Và thông thường, ngân hàng mua lại sẽ bảo hiểm cho những khoản tiền gửi cũ vì họ muốn tối ưu giá trị nhượng quyền. Nhưng với trường hợp SVB lại là một thất bại về thanh khoản, khi đây là một hoạt động rút tiền đồng loạt, vì vậy họ không có thời gian chuẩn bị để tiếp thị ngân hàng”.
Dù sự sụp đổ của SVB sẽ gây ra những hậu quả kinh tế thực sự, nhưng các chuyên gia cho rằng, đây không phải là điềm báo cho một sự kiện tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bởi vấn đề của SVB không phải là các khoản vay khó đòi, thiếu vốn và sự lệ thuộc lẫn nhau – những đặc điểm của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 15 năm.