Phòng bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ

Dương Toàn 15/03/2023 09:21

Sau Covid-19, các dịch bệnh như cúm A, cúm B, Adenovirus… đã bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước, khiến sức khỏe của trẻ nhỏ gặp nhiều ảnh hưởng.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, số ca mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) tại đây đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. Từ đầu năm đến ngày 5/3, tổng số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp ghi nhận trong toàn bệnh viện là 1.025 trường hợp. Hiện số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp phát hiện tại bệnh viện đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. Chỉ tính riêng từ ngày 1/3-5/3 đã có 157 trường hợp trẻ mắc bệnh này.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, virus RSV là một trong những tác nhân đứng đầu gây ra bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ hô hấp. Đồng nghĩa trẻ dễ có nguy cơ bị các biến chứng khác như bội nhiễm thêm vi khuẩn, có thể viêm phổi nặng lên, sốc nhiễm khuẩn, thở máy kéo dài, suy hô hấp cấp tiến triển... Biến chứng nguy hiểm là suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi...

Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng trẻ mắc bệnh truyền nhiễm gia tăng đột biến khiến Bệnh viện Nhi trung ương nói riêng và các bệnh viện nhi trên cả nước nói chung đưa ra thông tin cảnh báo. Sau Covid-19, các dịch bệnh như cúm A, cúm B, Adenovirus… đã bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước, khiến sức khỏe của trẻ nhỏ gặp nhiều ảnh hưởng.

BS Bùi Thị Thu Hương - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đánh giá: Một trong những nguyên nhân khiến số trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm gia tăng đột biến là do khoảng trống miễn dịch sau thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Việc không tiếp xúc thường xuyên với những mầm bệnh khiến hệ thống miễn dịch của trẻ trở nên kém hiệu quả hơn trong việc chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất. Thực tế, sức đề kháng của trẻ em yếu hơn người lớn rất nhiều. Khi có các tác nhân bên ngoài như thời tiết thay đổi, dịch bệnh... trẻ dễ bị vi khuẩn, virus có hại tấn công và gây bệnh. Trong khi đó, nước ta với đặc điểm là nước nhiệt đới, điều kiện sống còn khá thấp. Vì vậy, các bệnh truyền nhiễm vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, có những dịch bệnh xảy ra quanh năm.

Cũng theo BS Hương, ở trẻ nhỏ, một số yếu tố quan trọng gồm độ tuổi, khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, cấu tạo gen và bệnh lý đi kèm có thể ảnh hưởng đến việc mắc bệnh truyền nhiễm. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và trẻ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng và hiếm khi rửa tay sạch. Do vậy, để phòng bệnh, cha mẹ cần tiêm phòng vaccine đầy đủ cho con. Hiện nay, tại nước ta có hơn 30 loại vaccine phòng được hơn 40 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, điều này giúp trẻ tăng khả năng miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ ý thức chủ động phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp đơn giản, như khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; luôn rửa tay sau khi chăm sóc trẻ, sau khi ho hay hắt hơi, khi chế biến thức ăn; ngăn trẻ chạm tay vào những nơi chưa được khử trùng sạch sẽ; làm sạch các vật dụng trẻ sử dụng hằng ngày...

“Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bố mẹ không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý mua thuốc chưa qua kê toa, hay dùng lại toa thuốc cũ của người khác có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ” - BS Hương nói.

Dương Toàn