Chuyển đổi cây trồng: Không chạy theo phong trào
Nguồn cung dồi dào, giá sầu riêng đã giảm tới 50% so với cách đây 1 tháng. Theo thương lái khu vực này, do sầu riêng đang vào chính vụ, nguồn cung rất dồi dào nên giá giảm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, khi cung vượt cầu, được mùa, mất giá đó là quy luật kinh tế. Do đó phải tổ chức lại sản xuất...
Vẫn mở rộng trồng sầu riêng, mít
Tại Bến Tre, giá sầu riêng đang được thương lái thu mua phổ biến ở mức 75.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng những nhà vườn vẫn có lời bởi giá thành giá sầu riêng hiện vào khoảng 50.000 đồng/kg. Với sức hấp dẫn lớn nên dù biết thời gian trồng sầu riêng phải mất từ 4 đến 5 năm mới cho quả, thế nhưng thời gian qua nhiều hộ dân ồ ạt chuyển đổi cây trồng.
Trên những cánh đồng tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, thay thế cho những cánh đồng lúa bạt ngàn trước đây là những mảnh vườn sầu riêng vừa mới trồng. Còn tại các địa phương khác ở ĐBSCL như Hậu Giang, Cần Thơ..., nhiều nhà, nhiều người trồng sầu riêng cũng khá sôi động.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng sầu riêng đã liên tục được mở rộng, lên tới khoảng 80.000ha, trong khi quy hoạch vùng trồng sầu riêng đến năm 2030 chỉ vào khoảng 65.000 - 75.000 ha.
Cùng với giá sầu riêng, giá mít tăng khiến nhiều hộ dân ở các tỉnh Vĩnh Long, An Giang đổ xô chuyển sang trồng mít. Theo các thương lái dù mấy ngày đầu tháng 3 giá mít giảm sốc xong người trồng vẫn lời so với những cây trồng khác. Cụ thể theo các thương lái tại tỉnh Tiền Giang, người dân có thể lời từ 7.000 - 32.000 đồng/kg, ở các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, người dân có thể lời từ 6.000 - 31.000 đồng/kg. Vì thế, người dân vẫn mở rộng diện tích trồng mít.
Được biết, diện tích mít Thái ở ĐBSCL đã trên 39.000 ha, trồng tập trung ở tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
Không tự ý chuyển đổi cây trồng
Dù có hợp đồng xuất khẩu 1.500 container (mỗi container 15 tấn) sầu riêng trong năm 2023, song theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty xuất Nhập khẩu Vina T&T, việc sầu riêng là trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho ngành trái cây Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, tại thị trường này, sầu riêng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với sầu riêng Thái Lan, Malaysia và tới đây là Philippines.
“Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý gần, vận chuyển nhanh, chi phí thấp. Nhưng để cạnh tranh được với hàng Thái Lan và Malaysia, sầu riêng Việt Nam phải tiếp tục cải thiện trong quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, giữ được sản lượng ổn định nhằm xuất khẩu quanh năm” - ông Tùng chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam không phải quốc gia duy nhất xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mà còn có Thái Lan, Malaysia, Philippines... Trong đó, Thái Lan xuất khẩu trước Việt Nam rất lâu và họ có hệ thống phát triển cây sầu riêng khá bài bản. Mới đây nhất, Nhật Bản và Malaysia cũng đã ký hợp đồng trồng 1.000 ha sầu riêng.
Theo ông Cường việc phát triển một ngành hàng, một loại cây trồng chủ lực đều được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo, định hướng bởi đây không phải quy mô của tỉnh mà phải xét ở cấp quốc gia, khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án và có định hướng để phát triển cây trồng chủ lực với những vùng có lợi thế, được đầu tư, áp dụng những quy trình canh tác hiệu quả, được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với mục đích nâng cao giá trị của từng ngành hàng trong đó có cây sầu riêng. Vì vậy, các địa phương nên chú ý đến định hướng chung theo đề án của bộ để xây dựng định hướng phát triển các ngành hàng cây ăn quả chủ lực trên địa phương mình. Chẳng hạn như Bình Thuận rất có lợi thế về thanh long, còn Tiền Giang, Đồng Nai và một số tỉnh Tây Nguyên lại có lợi thế hơn về trồng cây sầu riêng và cây trồng khác.
Các địa phương cần định hướng xác định cây nào là lợi thế của tỉnh để tích hợp vào quy hoạch chung, từ đó có những giải pháp lâu dài, đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp liên kết chế biến tiêu thụ một cách hợp lý. Phát triển bền vững cây chủ lực theo vùng sẽ góp phần tránh những hiện tượng trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng hoặc phải giải cứu như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khi cung vượt cầu, được mùa, mất giá đó là quy luật kinh tế. Do đó phải tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. Về lâu dài, để tránh tình trạng cung vượt cầu, ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên trồng quá nhiều, ồ ạt, tránh trồng rồi chặt, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ khiến giá sụt giảm.