'Thủ phủ' thịt heo điêu đứng
Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi xuống thấp ở mức kỷ lục khiến người nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai lao đao. Vì sao giá heo hơi liên tục lao dốc?
Lỗ vẫn phải bán để tái đàn
Khoảng một tuần trở lại đây, người nuôi heo tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lâm vào tình thế rất khó khăn. Mặc dù giá heo hơi đang đà đi xuống nhưng các chủ trại buộc phải bán.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trang trại heo Sa Hoàng ở xã Xuân Thành cho biết, hiện trang trại còn khoảng 500 con heo thịt, giá heo hơi xuống thấp nhưng vẫn phải bán để còn tái đàn theo chu kỳ.
“Giá heo hơi hiện nay đã xuống chỉ còn 45-46 nghìn đồng/kg. Giá này thì nông dân chúng tôi lỗ nặng’’ - ông Thắng than thở và cho biết, giá cám cùng các chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi giá heo hơi xuống thấp khiến người nuôi rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, nửa muốn bán, nửa không. “Tính các chi phí, nếu một con heo xuất chuồng nặng trung bình khoảng 100kg nhân với giá heo hơi hiện tại là 45 nghìn đồng/kg thì người nuôi lỗ khoảng 600-700 nghìn đồng/con” - ông Thắng tính toán.
Cách đó không xa, trại heo Dolico Xuân Thành (Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai) cũng đang lao đao trước tình trạng giá heo hơi lao dốc. Theo ông Nguyễn Anh Việt, quản lý trang trại, giá heo hơi bán ra tại trại là 50,5 nghìn đồng/kg. “Năm ngoái thời điểm này, giá heo hơi khoàng từ 56-60 nghìn đồng/kg thì còn có lãi, chứ giá như năm nay thì cầm chắc lỗ” - ông Việt nói. Hiện tại trang trại Dolico Xuân Thành còn khoảng 5.200 con heo thịt, chủ trại hiện cũng đang “như ngồi trên lửa” nếu giá xuống nữa.
Không chỉ riêng xã Xuân Thành, các địa phương trên địa bàn huyện Xuân Lộc có trang trại và hộ gia đình nuôi heo số lượng lớn như: Suối Cao, Xuân Bắc, Xuân Hưng cũng đang gặp khó khi giá heo xuống thấp. Dù biết bán heo thương phẩm sẽ bị lỗ, nhưng các chủ trại, hộ chăn nuôi vẫn phải xuất chuồng một số lượng cụ thể để tái đàn.
Vì đâu nên nỗi?
Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều nguyên nhân đẩy giá heo hơi lao dốc, song chủ yếu xuất phát từ nguồn cung quá lớn do các trang trại bán tháo, trong khi sức mua của thị trường đang giảm mạnh.
Các chủ trại tại Đồng Nai cho biết, hiện nay, các dịch bệnh liên quan đến heo như dịch tả heo châu Phi vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Mặc dù công tác phòng dịch được thực hiện khá tốt nhưng do lo sợ dịch lan rộng nên nhiều chủ trại đổ xô bán tháo. “Trung bình heo xuất chuồng từ 100-120kg thì nay 70-80kg là đã cho xuất chuồng. Heo bán ra thì nhiều, trong khi thị trường kém sôi động, sức mua giảm. Giá heo hơi xuống thấp là điều đương nhiên” - ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trại heo Sa Hoàng khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khẳng định, không chỉ riêng Đồng Nai hầu hết các chủ trang trại heo trên cả nước đều phải đối mặt với việc giá heo hơi giảm sâu. “Tác động từ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, xung đột Nga – Ukraina… khiến sức mua đang ở mức thấp. Đặc biệt từ trước Tết Nguyên đán đến nay, sức mua thịt heo giảm mạnh. Người tiều dùng thắt chặt chi tiêu. Trong khi nhiều doanh nghiệp đông công nhân đang gặp khó phải giảm quy mô sản xuất dẫn đến giảm lao động, sức tiêu thụ thịt lợn trong các khu công nghiệp và các nhà hàng, quán ăn cũng giảm theo” - ông Công nói. Trong khi đó, vì sợ dịch bệnh ảnh hưởng, người nuôi đành cắn răng xuất chuồng với giá thấp. Cung nhiều nhưng nhu cầu ít thì giá xuống là điều không thể tránh khỏi.
Thị trường sẽ tốt hơn trong quý II
Tuy nhiên, dự báo về thị trường trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường sẽ tốt hơn trong quý II/2023. “Nền kinh tế đang dần phục hồi, khi hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại, giúp sức tiêu thụ thịt tăng lên. Trong bối cảnh giá heo và giá thức ăn biến động “ngược chiều”, người chăn nuôi đang ngại tái đàn, nguồn cung giảm. Điều này có thể tác động tích cực lên giá heo. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể tác động khiến giá heo hơi trong nước tăng do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt heo chính của Việt Nam. Dự báo giá heo hơi sẽ tăng trở lại trong quý II” - ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhận định.
Đồng Nai được mệnh danh là “thủ phủ” heo với tổng đàn khoảng 2,6 triệu con cùng hàng trăm trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ. Trong đó, huyện Xuân Lộc là địa phương có số trang trại và tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với khoảng trên 120 trang trại, dao động từ 400-500 ngàn con. Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh này, tổng tiêu thụ heo xuất đi các địa phương khác trung bình đạt khoảng trên 51.000 con heo, dao động khoảng 44.000 - 60.000 con heo/tuần tùy thời điểm. Cụ thể, tổng lượng heo của tỉnh Đồng Nai xuất đi TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50%, còn lại 30% xuất sang các địa phương lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh khu vực miền Tây.
Ông Phạm Hồng Phong - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất Đồng Nai cho biết, địa phương vẫn đang nắm bắt, theo dõi tình hình cụ thể sát sao để có báo cáo với cấp trên. “Trước tình trạng giá heo hơi xuống quá thấp ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế của người nuôi, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người chăn nuôi chủ động nắm bắt, dự báo thị trường và hạn chế tăng đàn trong thời điểm này. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ trại, người nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra” - ông Phong nói.