Nâng cao chất lượng giám sát
Ngày 14/3, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ hai. Chất lượng giám sát là vấn đề lưu ý được đặt ra.
Báo cáo tại phiên họp, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, đoàn giám sát đã xây dựng, trình ban hành kế hoạch giám sát chi tiết, công văn kèm theo đề cương báo cáo gửi 63 Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Chính phủ, một số bộ, ngành, tập đoàn kinh tế liên quan. Bên cạnh đó chủ động nhắc các cơ quan, địa phương gửi báo cáo chậm tiến độ.
Tính đến ngày 10/3/2023 Tổ giúp việc đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của 7/10 bộ, ngành, 53/63 địa phương, 2/3 tập đoàn kinh tế. Đồng thời làm việc, lấy ý kiến các chuyên gia trong quá trình hoàn thiện các đề cương báo cáo, dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, nội dung làm việc với các cơ quan, địa phương; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan phục vụ chuyên đề giám sát.
Ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, về cơ bản các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc thời gian gửi báo cáo tới Đoàn giám sát. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa gửi báo cáo như: Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, cân nhắc thời gian làm việc với các bộ, ngành phải thiết kế hợp lý, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong quá trình triển khai, kịp thời yêu cầu báo cáo bổ sung đối với những cơ quan, đơn vị gửi báo cáo không đáp ứng yêu cầu. Việc huy động chuyên gia, các nhà khoa học trong suốt quá trình triển khai giám sát là rất cần thiết.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, năng lượng được đánh giá vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước. Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều được mở rộng, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Cụ thể, nhu cầu năng lượng tăng cao đã gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Ông Hải đề nghị, trong phương thức làm việc của Đoàn giám sát cần tiếp tục cải tiến để giám sát nâng cao chất lượng, phạm vi giám sát không dàn trải, cần tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như vai trò của người đứng đầu. Tổ công tác cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung liên quan để Đoàn công tác làm việc hiệu quả, thực chất với các địa phương, bộ, ngành, tránh hình thức, lãng phí và làm ảnh hưởng đến các hoạt động của địa phương, cơ quan, tổ chức.
Khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thông tin từ Văn phòng Quốc hội, Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 15/3 và bế mạc ngày 20/3 tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của: dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023); cho ý kiến về: dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.