‘Lá cờ đầu' trong công tác Mặt trận – Bài cuối: Vượt qua thách thức để vươn lên
Cùng với các địa phương trên cả nước, thời gian qua, hệ thống MTTQ TPHCM đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM.
PV: Bà có thể điểm qua một số kết quả nổi bật của MTTQ TPHCM?
Bà Trần Kim Yến: Thời gian qua, hoạt động của MTTQ TPHCM đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Nhiều hoạt động của hệ thống MTTQ TPHCM đã triển khai và đạt được thời gian qua, nổi bật là công tác vận động, hỗ trợ người nghèo. Chỉ tính riêng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của thành phố năm 2022 đã tiếp nhận được gần 200 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ người nghèo được thực hiện bằng nhiều cách thức, phù hợp theo nhu cầu của từng hộ nghèo; đã xuất hiện các mô hình hay như: Hỗ trợ xây nhà, phương tiện sinh kế, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh, hướng dẫn dạy nghề... góp phần giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Ban Vận động tiếp nhận và phân phối tiền, hàng hóa ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã vận động, tiếp nhận gần 1.550 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá trên 350 tỷ đồng. Đồng thời, vận động ủng hộ kinh phí mua vaccine gần 319 tỷ đồng và vận động doanh nghiệp mua vaccine tặng thành phố trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, tháng 8/2021, Ủy ban MTTQ TPHCM đã tham mưu thành lập Trung tâm An sinh thành phố. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trị giá hơn 187 tỷ đồng và phân phối đến các nơi trị giá hơn 186 tỷ đồng. Đã kịp thời phối hợp chuyển hơn 2,7 triệu túi an sinh đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để hỗ trợ người dân, các hộ lao động nghèo, khó khăn…
Các phong trào, cuộc vận động; các nhiệm vụ khác cũng thu được nhiều kết quả cao.
Nhiều người cho rằng, nhiệm kỳ 2019 - 2024 là thời gian khó khăn nhất trong vài thập niên gần đây, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khác từ thế giới. Theo bà những thách thức đó là gì?
- Đúng vậy, hơn 3 năm nay, công tác Mặt trận gặp rất nhiều thách thức. Đặc biệt là tác động bất lợi của dịch Covid-19, ở thời điểm dịch bùng phát mạnh, cả thành phố có những lúc bị phong tỏa để cùng chung tay phòng, chống dịch; nhiều cán bộ Mặt trận coi cơ quan là nhà, suốt nhiều tuần, nhiều tháng không về với gia đình để tập trung chống dịch. Các cán bộ Mặt trận tỏa đi khắp nơi để cứu trợ đồng bào, có không ít người bị nhiễm bệnh, tử vong...
Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, kinh tế - xã hội của thành phố, dịch bệnh còn làm gián đoạn hoạt động sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận động các quỹ phục vụ an sinh xã hội, nhưng các doanh nghiệp vẫn cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tham gia đóng góp người, phương tiện, của cải giúp thành phố vượt qua khó khăn.
Sau đại dịch, cả nước nói chung và TPHCM nói riêng lại tiếp tục đối mặt với khó khăn, khiến hoạt động sản xuất phần nào bị gián đoạn, đời sống của nhân dân, nhất là người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Mặt trận thành phố đã có nhiều đề xuất với lãnh đạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp hỗ trợ người nghèo.
TPHCM được đánh giá là “lá cờ đầu” trong công tác Mặt trận của cả nước. Đây vừa là vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra nhiều trọng trách?
- Ủy ban MTTQ TPHCM nhiều năm liền được đánh giá là đơn vị xuất sắc toàn diện. Đây vừa là vinh dự nhưng cũng cũng là một áp lực lớn cho công tác Mặt trận. Bởi từ nền tảng này, trách nhiệm được tin tưởng, giao phó ngày càng cao; nhân dân ngày càng đặt niềm tin và kỳ vọng lớn hơn.
Tôi cho rằng, điều quan trọng là phải có một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận chuẩn mực, biết lắng nghe những nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe hơi thở cuộc sống; thấu hiểu tại sao người dân có nhu cầu nguyện vọng đó; dùng sự chân thành để truyền đạt, vận động, khuyến khích nhân dân cùng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; góp sức xây dựng thành phố và đất nước.
Phương pháp làm việc cần có kế thừa truyền thống, vừa có cập nhật theo xu thế thời đại. Tiếp tục kiên trì các giải pháp để giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát huy những chức năng mà MTTQ được hiến định.
Dựa trên những thành quả đạt được và những thuận lợi, khó khăn, thời gian tới MTTQ TPHCM đề ra những phương hướng, mục tiêu nào, thưa bà?
- Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sẽ được Ủy ban MTTQ thành phố quan tâm thực hiện, ngoài việc xây dựng chương trình phối hợp thống nhất hành động hàng năm, Ủy ban MTTQ thành phố đã xây dựng nhiệm vụ công tác trọng tâm, chương trình phối hợp với các tổ chức thành viên…
Mặt trận thành phố xác định các nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và thành phố; Vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai thực hiện các kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc và công tác tôn giáo.
Bên cạnh đó, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Giảm nghèo bền vững” trên địa bàn thành phố, xây dựng nông thôn mới, tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác; trao đổi, tăng cường giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với các tổ chức nhân dân các nước…
Trân trọng cảm ơn bà!