Cởi bỏ định kiến

TRANG THANH 18/03/2023 07:36

 Sự câu nệ, định kiến là một rào cản có thực trong cuộc sống khiến rất nhiều người mất đi cơ hội sống thoải mái, thật với lòng mình và ngăn cản mọi người thể hiện tình cảm, sự chia sẻ chân thành với nhau trong cuộc sống.

Tranh cắt giấy: Công Quốc Hà.

Tôi có lần chứng kiến chuyện này từ những nhà trí thức Tây học. Chuyện là, tôi đưa con đến nhà cô giáo dạy đàn, ở đó, mẹ con tôi gặp khách của cô và được giới thiệu là người anh họ, đến thăm em rể (là chồng cô) vừa trải qua trận ốm. Anh họ của cô, một giảng viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã về hưu, nghe tin em rể (cũng đã nghỉ hưu) bị tai biến nhẹ, liền bay từ TPHCM ra Hà Nội để thăm. Trong khi cô giáo dạy con tôi học đàn, tôi chuyện trò vui vẻ với hai chú một lát rồi xin phép chạy xuống siêu thị. Khi trở lên, tôi thấy anh họ cô giáo đang quét nhà. Quét nhà xong, chú đi rửa bát. Lúc này con tôi đã học xong, tôi chào và xin phép ra về. Ông giáo già vừa rửa bát vừa cười chào chúng tôi. Tôi tin chắc rằng, sau khi rửa bát xong, chú sẽ giúp em họ nấu bữa trưa để ba anh chị em cùng ăn vui vẻ. Đến quét nhà rửa bát mà chú còn chẳng nề hà, thì việc tham gia làm bữa với em họ, với chú, tôi nghĩ sẽ là điều vui thích.

Tôi chắc khó có thể chứng kiến câu chuyện tương tự như thế ở quê tôi. Người Việt ta vốn coi trọng giáo lý. Có những giáo lý mang tính rèn giũa đạo đức con người; có những nếp sống đẹp rất đáng gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, cũng có những giáo lý đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu, lỗi thời, trở thành định kiến, có những nếp cũ không còn tỏ ra phù hợp trong xã hội hiện đại.

Câu nệ, định kiến, là để chỉ sự thiếu linh hoạt trong cuộc sống, cứ rập khuôn theo quan niệm cố hữu mà làm. Trong khi cuộc sống thì luôn vận động, tâm lý, suy nghĩ của con người cũng thường thay đổi theo hoàn cảnh và nhận thức, mà lúc nào cũng cứ câu nệ theo nếp cũ, thì tránh sao khỏi những lúc rơi vào cứng nhắc, tự ràng buộc, không dám thể hiện chính kiến, suy nghĩ, không dám làm điều mình muốn...

Ví như ở nhà tôi, tôi rời quê ra sống ở thành phố thì không còn suy nghĩ việc nhà là của phụ nữ và việc trụ cột gia đình là của đàn ông. Tôi cho rằng đàn ông hay đàn bà đều phải cùng nhau chung tay vun đắp tổ ấm gia đình mình, cùng đi làm kiếm tiền và về nhà thì vợ nấu cơm, chồng có thể rửa bát, lau nhà.

Trường hợp này người đàn ông không phải là giúp vợ mà là hai người cùng phân công nhau làm những việc cần thiết cho gia đình chung. Ăn chung mâm, ở chung nhà, chung con cái và chung tài sản, chung hạnh phúc, thì tại sao đàn ông làm việc nhà lại gọi là “giúp vợ”? Nhưng ngay như chị gái tôi sống ở quê, vẫn nghĩ việc nhà là của phụ nữ nên chị gánh lấy hết, dẫu ngày Tết tất bật lo mâm cỗ lớn cỗ bé, rửa bát dọn dẹp còng lưng, chị cũng không phân công chia việc cho chồng và con trai.

Trong khi chị làm, anh chồng cứ việc xem ti vi hay lượn qua lượn lại xăm soi, thỉnh thoảng lại bình luận hay phê phán; và con trai chị thì ngồi lướt điện thoại. Chị tôi đương nhiên nghĩ, là phụ nữ thì phải thế, nên khi chứng kiến con trai mình rửa bát trong lúc con dâu bế con nhỏ, chị lườm nguýt tỏ vẻ không hài lòng. Ô hay, con dâu chị đang bế con nhỏ quấy khóc ngằn ngặt kia mà? Nhưng biết làm sao được khi trong lòng chị cứ ôm ấp mãi cả mớ định kiến bất bình đẳng giới đến như vậy mà chị không hề mảy may hay biết. Đã không biết, không hiểu, thì làm sao có thể thay đổi.

Câu nệ, định kiến, là để chỉ sự thiếu linh hoạt trong cuộc sống, cứ rập khuôn theo quan niệm cố hữu mà làm. Trong khi cuộc sống thì luôn vận động, tâm lý, suy nghĩ của con người cũng thường thay đổi theo hoàn cảnh và nhận thức, mà lúc nào cũng cứ câu nệ theo nếp cũ, thì tránh sao khỏi những lúc rơi vào cứng nhắc, tự ràng buộc, không dám thể hiện chính kiến, suy nghĩ, không dám làm điều mình muốn...

Tôi cũng đã từng chứng kiến một câu chuyện. Chị bạn tôi yêu một anh là người Hà Nội giàu có, thuộc hàng trí thức Tây học bậc cao, danh tiếng. Khi đến chơi nhà trong một lần chị cảm sốt qua loa, tôi chứng kiến anh chăm chút chị, chạy đi mua thuốc, pha nước hoa quả, bưng vào tận giường. Anh làm những việc đó tự nhiên như không, nhưng chị bạn (đã qua một lần đò) lại có vẻ hơi ngại ngại với tôi. Chị kêu lên như phải bỏng khi thấy anh tiến lại bồn rửa bát: Anh định làm gì vậy? Anh cười hiền: Thì anh rửa bát - Không được, đấy là việc của em, anh để đấy cho em! Anh nhẹ nhàng: Em đang ốm mà, anh rửa có sao đâu, nếu không lại để tận đến chiều mất vệ sinh lắm. Rửa bát đâu phải chỉ là việc của em. Chị cười nhẹ, nhưng trong lòng dường như vẫn gượng gạo sao đó.

Tôi hiểu tâm lý chị, một người phụ nữ thuần Việt, đã từng kết hôn với một ông chồng thuần Việt nghe nói cũng khá gia trưởng, cổ hủ, nên chắc chị đã bị ngấm những tư tưởng cũ kỹ mất rồi. Tôi bèn động viên: Nhất chị đấy, em chỉ mong có được người sẵn sàng rửa bát quét nhà cho em. Sau đó một năm, chị và anh ấy kết hôn, chị rất hài lòng. Thỉnh thoảng chị lại kể, anh luôn lo toan cuộc sống đủ đầy, mà vẫn sẵn sàng rửa bát, lau nhà, phơi quần áo giúp chị. Đi đâu anh cũng tay xách nách mang để chị được thảnh thơi.

Trong khi đó, một cô bạn tôi luôn bức xúc với mẹ chồng và chồng. Cô ở thành phố, cách nhà mẹ chồng chừng vài chục cây số, cứ cuối tuần là cả nhà dắt díu nhau về quê. Nếu cô nhờ chồng mổ giúp con gà, con cá, là mẹ chồng đi qua đi lại lầm bầm rằng đàn bà gì mà vụng thối vụng nát, con gà con cá cũng không mổ được. Thực ra, cô làm nghề giáo chưa cắt tiết con gà bao giờ nên cô sợ chứ không phải cô lười hay là vụng.

Ngày Tết, cô rửa một đống lá dong đủ gói cho ba bốn chục chiếc bánh chưng. Cô ngồi muốn gãy lưng mà không ai chung tay giúp. Một mình cô nấu ba mâm cơm thì rửa ba mâm bát, cũng chỉ một mình. Mẹ chồng cô quan niệm, con trai bà (cũng giáo viên) về quê thì chỉ để đi chơi quanh làng xóm, vắt chân chữ ngũ mà cao đàm khoát luận, xem ti vi, cụng ly với anh em bè bạn. Đàn bà làm vợ thì phải cơm bưng nước rót cho chồng nở mày nở mặt với xóm giềng.

Chẳng gì, con trai bà xưa học giỏi nhất làng, đi thoát ly, làm giáo viên chuyên dạy cho cán bộ, bộ đội. Sao cứ về đến nhà là nó lại để vợ nó sai vặt, còn đâu là thể diện. Bao nhiêu năm trôi qua như thế, cô bạn tôi không “tranh đấu” nổi với mẹ chồng, nhiều lần hờn giận với chồng cũng không giải quyết được vấn đề gì vì chồng cô được mẹ dung dưỡng thói gia trưởng cũng chẳng chịu đổi thay. Thành thử dần dà cô cũng chẳng thèm cự cãi nữa làm gì cho mệt, cô thuê người đến rửa lá dong, rửa bát, mặc cho mẹ chồng ra lườm vào nguýt, tiếng bấc tiếng chì.

Cô bảo, sắp tới, nhà có giỗ, cô sẽ thuê người nấu cỗ nữa, không ai chia sẻ với mình thì mình phải tìm cách tự giải phóng…

Thì ra, có những định kiến đã ăn sâu ghê gớm vào đầu óc những người đàn ông gia trưởng, thấm sang cả các bà vợ, để đến khi trở thành mẹ chồng, họ cũng gia trưởng, cổ hủ như ông chồng của họ. Họ để những định kiến cũ kỹ lạc hậu làm cho cuộc sống trở nên ngột ngạt, khó chịu, trong gia đình thiếu đi sự chia sẻ, ấm áp, yêu thương.

Nếu gia đình nào cũng ngột ngạt như vậy thì thật đáng buồn và khó sống. May thay, đâu đó vẫn có những câu chuyện khiến cho người ta thấy dễ thở và hy vọng. Có một thời, cùng chung sân, chung ngõ với nhà tôi, là gia đình một bác cựu tù Côn Đảo. Tôi chứng kiến dạo ấy bác đã gần 90, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và lại có thể làm những việc như thế này. Hàng ngày, bác không nề hà phơi hay cất quần áo cho cả nhà.

Thỉnh thoảng, bác ngồi khâu từng cái cúc đứt, từng đường sứt chỉ, kể cả trên quần áo của con dâu. Khi bác gái bị lẫn, bác trai bón cơm cho vợ, xong thì lấy khăn ấm lau miệng, lau tay, bưng nước, đưa thuốc cho vợ uống, rồi đưa vợ vào giường nghỉ ngơi. Lúc đó, bác mới yên tâm đi ăn phần cơm của mình. Tôi thấy kính phục người cựu tù Côn Đảo ấy và đã từng viết về bác.

Rõ ràng, là người của một thế hệ được cho là còn ôm giữ nhiều lề thói, định kiến, sống cổ hủ, lạc hậu, mà người cựu tù Côn Đảo năm nay đã gần trăm tuổi ấy, lại ân tình, cởi mở, thấu hiểu và rất mới như vậy. Trong khi nhiều người trẻ hơn, tự thấy mình hiện đại hơn, thức thời hơn, nhưng lại cũ kỹ và lạc hậu hơn.

Mọi người đều có thể thay đổi suy nghĩ và hành động dựa trên sự thay đổi nhận thức phù hợp với cuộc sống. Nếu cứ khư khư sống theo nếp cũ, để thói câu nệ, định kiến, sự rập khuôn làm nghèo nàn và thô cứng, làm vô cảm tâm hồn, thì chẳng khác gì tự chuốc lấy bất hạnh cho chính mình và người thân.

Chẳng phải chúng ta - những người từ ban đầu xa lạ, đến với nhau bằng yêu thương để cùng chung vai vun đắp một gia đình biết sẻ chia để hướng tới hạnh phúc? Vậy thì không nên để những thói câu nệ và định kiến làm hỏng đi cuộc sống vốn đong đầy ấm áp yêu thương của chính mình.

TRANG THANH