Ông bà ngày xưa…

NHƯ TRANG 29/03/2023 07:18

Cái đứa đang yêu chỉ thích nghe chuyện tình yêu. Nói đúng ra là nó thích kể về người mình yêu. Nhưng đố dám kể với ông bà. Bố mẹ thì càng không....

Tranh: Hoàng Phượng Vỹ.

Cô cháu gái đến tuổi yêu đương hí hởn, mon men hỏi chuyện:

- Ông bà ngày xưa “tán” nhau như thế nào ạ?

Bà hếch kính, mắt hấp háy:

- Bà á, da trắng, tóc dài đến gót, môi đỏ, đẹp gái nhất vùng. Cái trường Bách Khoa toàn giai là giai, ngày nào bà chả xua đi không hết bạn đến chơi.

- Thế mà vẫn “nhất cự li, nhì cường độ”, cứ tự hào đâu không biết, lại đi lấy người cùng làng.

Ông vẫn làm ra vẻ mải mê đọc báo nhưng thủng thẳng đáp. Bà ngay lập tức “phản đòn”:

- Úi giời, hồi ấy có người “tẩm” hết chỗ nói, gầy cao vêu vao ra, ai đời đi tán gái mà lại mang theo quà là mấy quyển sách buộc sau póc ba ga xe đạp bằng mấy sợi rơm…

Cô cháu cười phá lên, mắt liếc nhìn cái bụng to như thùng tô nô của ông, chả tưởng tượng nổi ngày xưa ông ngoại mình ra sao. Còn bà, giờ chỉ còn kiểu đầu uốn quăn lấp lánh ánh bạch kim, ngắn lúp xúp quanh cổ. Ông bà vốn khắc khẩu nhau. Bà giỏi ca dao tục ngữ, ví von, dân kĩ thuật mà nói câu nào sắc câu nấy. Ông thì kĩ sư lâm nghiệp, cả đời bôn ba rừng núi với công trình xây dựng, tính vốn cả nể hiền lành. Mà không hiền sao được với bà. Lúc nào ông cũng có cái vẻ nin nín, nhun nhún và ánh mắt trông về bà với đầy vẻ trìu mến.

- Bà thì cũng có khác gì. Bạn trai rủ đi uống cà phê mà lại chọn mỗi nước chanh. Hay tại cốc nước chanh ý mà chua đến tận bây giờ nhỉ?

- Ờ, chua nên mới lấy ông. Chứ lấy cái ông giai phố Quán Thánh theo tôi nhằng nhẵng, ngày cưới còn về ngồi mãi tận đầu làng mong tôi đổi ý thì chắc là ngọt.

Chuyện này thì lần đầu tiên cô cháu nghe.

- Chứng tỏ tình sử của ông bà xưa kia cũng tay ba, tay tư gớm nhể?

Nó hỏi để áp dụng vào việc chọn lựa của bản thân. Thừa hưởng cả nét xinh xắn sắc sảo của bà với vóc dáng cao ráo đẹp trai của ông, cô cháu còn phải cố thu mình để đừng nổi bật quá trước đám đông. Người để ý thì nhiều mà trái tim nó gần đây mới biết đập khác nhịp. Ấy là mấy tháng trước. Giờ thì nó đã tay trong tay với một chàng trai khác.

- Thì bà kể nốt cho cháu nó nghe cái vụ anh hùng cứu mĩ nhân trên sông Kỳ Cùng xem nào.

Ông cười cười như thách thức.

- Thì kể. Bà học năm thứ ba, cái năm Mỹ đánh bom Hà Nội, cả trường đi sơ tán lên Lạng Sơn. Mùa đông trên ấy rét lắm nhé. Để cốc nước trên bàn, sáng ra thấy đóng băng lại, đố dám uống. Thế nhưng con gái là cứ phải tắm gội sạch sẽ. Bà cao 1,58m, tóc cũng dài cũng ngần ấy. Cúi xuống gội đầu, tóc vừa dày vừa nặng, lại thêm trượt chân, cả người cả tóc trôi theo dòng sông Kỳ Cùng. No bụng nước. Tưởng chết. Tỉnh dậy thấy mặt một gã trai mới đầu nhòe nhòe mờ mờ, lại cứ tưởng con vua Thủy Tề. Hóa ra cái thằng học cùng lớp.

Cô cháu cố giấu tiếng hi hi trong cổ họng.

- Thế lúc ấy bà cảm thấy thế nào?

- Đau. Đau đến tận chân tóc. Tại cái thằng dốt. Nắm được mớ tóc của người ta nổi lập lềnh thì nó phải quờ tay tìm người mà đỡ, mà dìu lên bờ. Đằng này lại cứ thế mà lôi mỗi tóc thì làm gì chả đau.

- Bà còn cãi là đã chọn chỗ vắng vẻ, kín đáo để tắm gội hay không?

- Thì tôi đã chả nhìn quanh quất kĩ lưỡng rồi. Ai ngờ nó phục trên cây suốt từ trưa.

- Thế ông ấy không bắt vạ bà trả ơn à?

- Trả cái gì? Bà nắm ngay lấy tóc hắn ta, định lôi lên báo cáo thầy chủ nhiệm. Cơ mà tóc đàn ông vừa ngắn ngủn vừa lâu không gội, trơn mỡ ra. Hắn ta chuồn mất.

Đến lúc này thì ông cũng bật cười khoái trá. Hai ông cháu vừa cười vừa nhìn nhau, đọc tỏng trong đầu cả hai đều tưởng tượng ra cái mặt nghệt của ông cứu được bà ngày xưa. Đưa tay chấm mắt, ông xua xua:

- Thôi, bà đừng kể nữa. Bà còn có tôi lấy. Chứ cháu nó mà đanh đá giống bà thì thậm nguy…

Cô cháu đỏ bừng mặt. Nó kể với bà là hàng đàn con trai chỉ cần chờ nó nở một nụ cười là đã bấn loạn nhịp tim rồi.

Chắc bà cảm nhận rõ, đứa cháu đang nhìn tình yêu với ánh mắt trong veo như trẻ thơ nhìn trái táo, nào biết trong ngọt ngào hay sẽ tiềm ẩn cả những con sâu. Cái đứa đang yêu chỉ thích nghe chuyện tình yêu. Nói đúng ra là nó thích kể về người mình yêu. Nhưng đố dám kể với ông bà. Bố mẹ thì càng không. Thế thì nó đành phải vòi đi vòi lại chuyện yêu đương của ông bà ngày xưa. Chỉ có ông bà là rỗi rãi. Mà lại không mắng nó.

- Ngày xưa ông làm sao để “tán” đổ bà ạ?

Ông lại nheo nheo mắt, cái nụ cười hiền hòa, trìu mến quen thuộc.

- Ờ thì ông bà là người cùng làng, biết nhau từ thuở đội mũ rơm đi học. Cái làng bé tẹo, ai xinh ai xấu, ai mụn ghẻ mụn ruồi, thậm chí cả con cháu ông bà nào, tông ti họ hàng của nhau đều biết hết. Nhưng chỉ có ông bà là người đặc biệt.

- Là hay khắc khẩu ấy ạ?

Ông suýt phì ra ngụm nước chè. Ông biết thừa, các cô gái trẻ mới yêu rất tuân thủ những mẫu tình yêu ở trên phim. Nào thì khắc khẩu, nào thì trái ngược, nào thì hoàng tử công chúa và người bần cùng nghèo hèn… Bà ngày xưa là người ăn nói có duyên. Khắc khẩu chỉ là vì mấy năm nay, bà bỗng dưng trái tính trái nết. Mà chắc bà cũng ngại. Ai lại đi kể chuyện yêu đương của mình ngày trước với cháu chắt bao giờ. Thế nên bà lên gân lên cốt tí thôi. Ông lại cho thế là vui. Chứ có mỗi hai ông bà, cứ ra than đau lưng vào kêu mỏi gối cũng buồn.

- Là vì cả làng có mỗi hai ông bà được vào đại học. Ông đi trước bà hai năm. Dù trường cách xa nhau nhưng ông được cụ ngoại của các cháu gửi gắm, thế là nghiễm nhiên có cái suất thăm hỏi, đưa đón bất kể giờ nào. Lợi thế hơn hẳn các chàng trai lạ khác.

- Thế là ông cứ kè kè đưa đón bà ấy hả?

- Làm gì có chuyện. Còn phải lo học. Học hành hồi ấy nghiêm lắm chứ không lớt phớt như giờ đâu.

Ông ngừng một lúc để nhìn cháu. Cô cháu rụt đầu, lè lưỡi. Biết ngay mà. Nói chuyện với người lớn bao giờ cũng sẽ bị quy về chuyện học. Nó lảng:

- Thế là bà tự… đổ à?

- Làm gì có chuyện. Ban đầu bà còn tưởng ông là… thám tử, vệ sĩ mà cụ ngoại cử đến chỗ bà. Chả chủ nhật nào được yên. Cứ định đi chơi với chị em chúng bạn thì đã thấy ông ấy lù lù ở cửa. Lại leo lên xe về quê. Từ Hà Nội về quê có chừng 50 cây số nhưng đường khó đi hơn bây giờ nhiều.

- Bà không thử thách, không “kiêu” tí nào á?

- Chỉ những đứa không tin vào tình yêu của chính mình mới bày vẽ thử thách người khác thôi cháu ạ. Cứ kẽo kẹt như thế, ông ấy đèo bà, bất kể nắng mưa. Tính ra bà còn nặng hơn ông nên chả biết đứa nào thiệt hơn đứa nào. Ngồi sau lưng ông ấy cả năm thì thành yêu thôi.

- Ặc…

Bà nhìn cô cháu, cảnh giác:

- Cháu đang còn trẻ, liệu mà lo học hành. Yêu đương chỉ là gia vị thôi, đừng biến thành món chính nhá.

Lại thế. Cô cháu ngán ngẩm.

Ngày hôm sau, cô cháu trở về nhà, chỉ thấy một mình ông ngồi lặng lẽ. Bác cả, mẹ nó, hai dì đang ở cả bệnh viện. Rồi chuyển bà lên tuyến trên. Ông già yếu rồi, thi thoảng mới có người đưa ông đi thăm bà. Biết ông nhớ bà, cô cháu thi thoảng lại hỏi:

- Ông bà ngày xưa có cãi nhau bao giờ không ạ?

Ông vẫn cứ giữ tờ báo che kín mặt, chỉ còn nghe thấy tiếng nói nghèn nghẹn:

- Cãi thì không. Giận thì có cháu ạ. Sống với nhau mấy chục năm trời làm gì chả có lúc mâu thuẫn, va chạm.

- Thế ai là người xin lỗi trước hả ông?

Nó nghe tiếng tờ báo sột soạt. Ông đang bối rối hay ông đang lục tìm trong trí nhớ đã bắt đầu mông lung của mình. Một hồi sau, lại tiếng ông vang lên sau tờ báo:

- Hình như ông chưa bao giờ xin lỗi… Người lớn nói với nhau những từ đấy thấy khó làm sao. Ông chỉ biết bằng việc gì đó, bù đắp cho bà. Mà có khi vài tháng sau ông mới lại về nhà, lúc ấy còn gì là giận nữa.

Bà cũng từng kể chưa bao giờ ông nói yêu bà. Ừ, có phải bất cứ cái gì cũng nói lên thành lời được đâu.

Nó nhớ đến chàng trai chẳng bao giờ hỏi nó thích gì nhưng luôn tặng những món quà mà nó mồm thì chê mà tay thì muốn đỡ lấy tim. Nó lại nhớ, bà dặn nó đừng để ông đọc sách báo nhiều, nhắc ông vận động đi lại ra ngoài chơi với các ông bà trong xóm. Nó định hỏi tại sao bà không gọi điện về cho ông nhưng lại thôi. Ông bà khắc khẩu quen rồi, mắng nhau cũng là mắng yêu, nói sao được với nhau những lời ngọt ngào. Dù là lời ly biệt?

Sau những ngày chộn rộn lo đám cho bà, ông như cố thủ cả ngày trên chiếc ghế bành. Cả cái dáng to lớn như thu sâu vào trong ký ức. Thi thoảng ông nhỏm dậy nghiêng tai lắng nghe tiếng cổng lạch cạch rồi lại lắc lắc đầu, thất vọng tràn trề. Cô cháu vừa đọc tin nhắn người yêu vừa bước vào, một vạt nắng chéo bừng lên căn phòng tối om.

- Bà đi chợ về luôn đẩy từ từ chứ không mở toang cửa ra thế đâu.

Nó cố ngăn hàng nước mắt, sà xuống bên ông, thấy mắt người già đục mờ như màn sương quá vãng.

Tiếng ông đều đều rồi bỏ mặc nó đấy. Ông như đã quay về cái thời xa xôi. Cô cháu không kể, mấy tháng trước, lúc còn ở trong bệnh viện, có lần nó phải lén quay đi kìm cơn nức nở khi thấy mẹ gội đầu cho bà, vơ từng mảng tóc rụng qua kẽ tay lấp lánh.

Mấy tháng nữa lên xe hoa rồi, chẳng biết nó có lúc nào về nhà để lại đòi ông kể chuyện bà ngày xưa nữa?

NHƯ TRANG