Nhận cuộc gọi 'con bị ngã từ tầng 3', mất 200 triệu đồng

b.phúc (tổng hợp) 15/03/2023 18:39

Các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc (bị thương rất nặng, đang nguy kịch, không cấp cứu gấp sẽ tử vong…) để thao túng tâm lý nạn nhân.

Theo SKĐS, ngày 15/3, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo của chị H. (45 tuổi, trú Hoàng Mai, Hà Nội) về việc khi chị đang đi làm, thì nhận được số máy lạ, tự xưng là giáo viên nhà trường. Người này thông báo con chị bị ngã từ tầng 3, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch.

Tiếp đó, chị được nối máy đến một người tự xưng là bác sĩ, Đối tượng yêu cầu chuyển tiền gấp vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật.

Nạn nhân đã 2 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 200 triệu đồng vào tài khoản của người này. Sau khi chuyển tiền, chị H. đã liên lạc với nhà trường thì xác định bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Các đối tượng lừa đảo thường "đánh đòn tâm lý" phụ huynh rằng nếu không mổ gấp thì không cứu được cháu để yêu cầu chuyển tiền gấp.

Trước đó, ngày 13/3, với thủ đoạn tương tự anh H. (43 tuổi, trú Tây Hồ, Hà Nội) bị lừa 40 triệu đồng. Theo đó, khi đang làm việc, anh H. nhận cuộc gọi từ số lạ, người này giới thiệu là giáo viên, thông báo con gái anh bị ngã từ tầng 3.

Nạn nhân đã chuyển vào tài khoản người này 40 triệu đồng. Khi kiểm tra thông tin với nhà trường, anh biết mình bị lừa, nên đã tới công an trình báo.

Về vấn đề này, Cơ quan công an, ngành giáo dục đã khuyến cáo, chiêu lừa này hình thành tâm lý hoảng loạn, sợ hãi trong thời gian ngắn, khiến phụ huynh bất an, lo lắng, đặc biệt là khi chưa thu nhận đủ thông tin.

Các đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, kích động cảm xúc (bị thương rất nặng, đang nguy kịch, không cấp cứu gấp sẽ tử vong…) để thao túng tâm lý nạn nhân.

Khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh hãy bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần khoảng cách với con em mình nhằm kiểm tra thông tin.

Đồng thời, phụ huynh cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm.

Cảnh giác với việc đối tượng thuộc lòng về trường học của con, lớp học của con, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng nhưng lại không thể cung cấp thông tin cá nhân mình một cách rõ ràng, nơi làm việc cụ thể để tránh bị lừa và làm theo yêu cầu của các đối tượng.

b.phúc (tổng hợp)