Nam Định: Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện ‘kể khổ’ với Bí thư Tỉnh ủy
Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị; bác sĩ, điều dưỡng xin chuyển công tác, một Trung tâm Y tế huyện ở Nam Định còn đang gặp khó khăn về nguồn thu khi mấy năm liền chưa thể quyết toán được chi phí khám, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Ngày 15/3, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, bác sĩ Phạm Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) cho biết trong ngày hôm trước, ông đã thay mặt Trung tâm báo cáo toàn bộ những khó khăn, vướng mắc của Trung tâm hiện nay tới Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cùng đoàn công tác của tỉnh khi đoàn về kiểm tra hoạt động của Trung tâm.
5 bác sĩ xin ghỉ việc
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hạnh, Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản được thành lập năm 2017, thực hiện “nhiệm vụ kép” là đảm bảo công tác y tế dự phòng và khám, chữa bệnh cho Nhân dân địa phương. Trung tâm hiện có 16 khoa, phòng và 18 trạm y tế xã, thị trấn. Tuyến huyện hiện có 117 cán bộ, bác sĩ và nhân viên chuyên môn; khối Trạm y tế các xã, thị trấn có 101 cán bộ, nhân viên; quy mô của Trung tâm là 180 giường bệnh nhưng thực kê là 225 giường.
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, bác sĩ Phạm Ngọc Hạnh cho biết hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
Trong đó, trụ sở Trung tâm xuống cấp, các khu nhà xây dựng đã lâu nên không có nhà vệ sinh khép kín, nhiều phòng chưa được lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ. Khoa cận lâm sàng sử dụng khu nhà cũ, hẹp, không đủ diện tích để lắp đặt thêm máy khi triển khai thêm kỹ thuật mới.
Hệ thống trang thiết bị y tế tối thiểu còn nhiều danh mục chưa được trang bị; nhiều thiết bị đưa vào sử dụng đã lâu, sửa chữa nhiều lần, cần phải thay thế nhưng chưa được thay thế.
Là đơn vị tự chủ kinh phí nhưng hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản phải đối diện với tình trạng lưu lượng bệnh nhân giảm; kết cấu chi phí khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ. Đặc biệt, cho đến nay, Trung tâm chưa được Bảo hiểm xã hội quyết toán chi phí khám, chữa bệnh 3 năm liên tiếp 2018, 2019, 2020, dẫn đến nguồn thu của Trung tâm hiện rất khó khăn.
Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị yếu, thiếu; lương, phụ cấp thấp, chịu nhiều áp lực trong công việc, nên thời gian qua Trung tâm liên tục có bác sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc để ra làm việc cho các đơn vị y tế tư nhân.
“Trong 3 năm qua tại Trung tâm có tới 5 bác sĩ cùng mấy điều dưỡng xin nghỉ việc, chuyển công tác. Áp lực nhiều trong khi lương bác sĩ cũng chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng nên nhiều anh em đã bỏ ra ngoài làm”, bác sĩ Hạnh thông tin tới PV Báo Đại Đoàn Kết trong bối cảnh đội ngũ bác sĩ và nhân viên chuyên môn của Trung tâm đang thiếu về số lượng và trình độ chưa được đồng đều. Riêng cán bộ quản lý thiếu từ ban giám đốc tới lãnh đạo các khoa, phòng.
Cùng với phản ánh những khó khăn hiện tại, bác sĩ Phạm Ngọc Hạnh kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cùng lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh nhiều nội dung. Trong đó, đề nghị Sở Y tế tỉnh tuyển dụng nhân lực theo đề án vị trí việc làm đã được xây dựng; đề nghị UBND tỉnh tiến hành các dự án Trung tâm đã trình phê duyệt trong năm 2022, tiếp tục khảo sát thực trạng để bổ sung các hạng mục xây dựng đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; cấp đủ kinh phí mua sắm hoặc cấp đủ trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh hiện nay của Nhân dân trên địa bàn.
“Hệ thống y tế công lập đang phải đối mặt với nhiều khó khăn”
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, bác sĩ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản trong điều kiện thiếu thốn cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông nhìn nhận hiện nay, hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, chất lượng hoạt động chưa cao; Nam Định vẫn là “vùng trũng” về y tế so với nhiều tỉnh trong khu vực. Việc tìm hiểu thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản của lãnh đạo tỉnh nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác y tế, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, qua đó để Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hoạt động y tế và công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định giao UBND tỉnh, Sở Y tế quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí đủ cán bộ quản lý, bổ sung bác sĩ và nhân viên y tế cho Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản; đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Y tế huyện.
Ghi nhận những phản ánh, kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết tỉnh sẽ có các đề nghị với Trung ương, Bộ Y tế hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế công lập; tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc quyết toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Chưa được quyết toán chi phí khám, chữa bệnh-vì sao?
Liên quan nội dung Trung tâm Y tế Vụ bản 3 năm liền (2018, 2019, 2020) chưa được quyết toán chi phí khám, chữa bệnh, chiều cùng ngày thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, ông Vũ Ngọc Hỏa, Trưởng Phòng Giám định Bảo hiểm Y tế-Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định cho biết hiện tại tỉnh Nam Định không chỉ có Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản chưa được quyết toán chi phí khám, chữa bệnh, nhiều đơn vị Y tế khác cũng đang trong tình trạng chung, số tiền liên quan lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Nguyên nhân, theo ông Vũ Ngọc Hỏa là do các đơn vị y tế trên đã đề nghị vượt tổng mức thanh toán được quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.
Trong Chương VI, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ (Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) có điều 24 về “Thanh toán theo giá dịch vụ”. Điều này quy định:
Thanh toán theo giá dịch vụ là phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quy định và chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ được sử dụng cho người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thanh toán theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trừ chi phí của các dịch vụ y tế đã được thanh toán theo phương thức khác.
Nguyên tắc thanh toán:
-Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng thống nhất đối với các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc;
-Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì thanh toán theo giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
-Chi phí máu và chế phẩm máu thanh toán theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hàng năm được tính theo công thức sau:
T= [Tn-1 x k] thuốc, hóa chất + [Tn-1 x k] vật tư y tế + [Tn-1] máu, chế phẩm máu +[Tn-1] dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh + Cn
Trong đó:
-T là tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở bằng tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh nội trú và tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú;
-Tn-1 là chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm trước liền kề tại cơ sở đã được cơ quan bảo hiểm xã hội thẩm định quyết toán;
- k là hệ số điều chỉnh do biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương ứng của từng yếu tố thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính vào giá dịch vụ, không bao gồm các chi phí đã được tính trong Cn.
-Cn là phần chi phí phát sinh tăng hoặc giảm trong năm tại cơ sở do các nguyên nhân: áp dụng dịch vụ kỹ thuật mới; bổ sung thuốc, hóa chất mới, vật tư y tế mới; áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới; giá máu, chế phẩm máu mới; điều chỉnh hạng bệnh viện; đối tượng người có thẻ bảo hiểm y tế; thay đổi phạm vi hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có); thay đổi mô hình bệnh tật; số lượt khám bệnh, chữa bệnh. Chi phí này được tổng hợp vào chi phí thực tế để làm cơ sở tính tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều này.
Hằng năm, căn cứ chỉ số giá của từng yếu tố thuốc, hóa chất, vật tư y tế do Tổng cục Thống kê công bố, Bộ Y tế thông báo hệ số k sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.