Hòa Bình: Đền Nè được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh
Ngày 15/3, UBND huyện Kim Bôi đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng đền Nè (xã Xuân Thủy) là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Di tích đền Nè có tổng diện tích 2.298 m2, nằm tại xóm Bờ Nè, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình. Từ xa xưa, đền được khởi dựng chỉ là một ngôi nhà nhỏ, vật liệu dựng là tranh, tre nứa lá, vách được bưng kín bằng bương tre đập dập, mái lợp gianh.
Phía trước và xung quanh đền Nè là khu dân cư, xa xa là cả một vùng đất đồi thoáng rộng, với vườn mía, nương ngô trải dài tới xóm làng một màu xanh bát ngát. Chính không gian này tạo lên sự hài hòa và gần gũi giữa con người và thiên nhiên mà không làm mất đi sự thanh tịnh và linh thiêng của di tích.
Đến năm 1952, thấy vị trí ngôi đền không được thuận lợi, nhân dân đã cho di dời đền Nè ra khu Đống hay còn gọi là Đống Nè, cách vị trí ngôi đền xưa khoảng 400 m hướng về phía Bắc.
Đền Nè thờ “Sơn Thần Công Chúa”, là vị thần có công giúp nước, bảo vệ, phù hộ và che chở cho người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân huyện Kim Bôi, "Sơn Thần Công Chúa" là vị thần tối linh, là tín ngưỡng văn hóa tâm linh lâu đời.
Sự hiện diện của "Sơn Thần Công Chúa" đã góp phần nuôi dưỡng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho nhân dân địa phương. Từ xưa đến nay, ngôi đền đã nổi tiếng linh thiêng, nên không chỉ nhân dân trong vùng và các tỉnh lân cận, mà rất đông du khách thập phương đã tìm đến dâng hương cầu lộc, cầu tài, cầu mưa thuận gió hoà, cầu làm ăn phát đạt...ngôi đền đã trở thành địa chỉ góp phần làm thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh cho nhân dân trong vùng cũng như du khách gần xa.
Lễ hội đền Nè xưa là một nét đẹp văn hoá đặc sắc, việc tổ chức và bảo tồn lễ hội đền Nè không chỉ là dịp để con người truyền đạt tình cảm, đạo lý và khát vọng cho nhau mà còn là dịp để con người giao hoà với quá khứ và hiện tại. Qua đó con người củng cố thêm sức mạnh cộng đồng và thể hiện sự tôn kính của mình với tổ tiên, với các vị thần đã có công với đất nước và tìm được về cội nguồn của mình.
Những nét đẹp truyền thống đó đã hoà quyện để tạo nên một giá trị văn hoá cần được gìn giữ và phát huy. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền còn là tư liệu gốc cho các nhà nghiên cứu về lịch sử địa phương, nghiên cứu về dân tộc học. Là cơ sở để so sánh đặc trưng văn hoá của các dân tộc, phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.