Minh bạch Quỹ bình ổn giá xăng, dầu
Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Giữ quy định về Quỹ bình ổn giá
Báo cáo tại phiên họp về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi), ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng, cần giữ quy định về Quỹ bình ổn giá trong Luật Giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như dự thảo luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đang hoạt động.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Quỹ bình ổn giá cần nghiên cứu theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá vì chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đầu tiên phải theo quy luật thị trường. Phải có quản lý và định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và nhất là chúng ta bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Đồng thời, trong thực tế có những tình huống rất bất ngờ, rất đặc biệt, ví dụ như trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa, hỏa hoạn.
Cũng liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, lập ra Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là để thu vào khi giá xuống và chi ra khi giá tăng cao nhằm giữ ổn định thị trường. Trong Thường trực Ủy ban Kinh tế có 2 luồng ý kiến. “Quan điểm cá nhân tôi nên giữ lại, nhưng giữ lại thì phải khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng, dầu trong thời gian vừa qua. Cần phải có một đánh giá tác động riêng để chúng ta xử lý Quỹ bình ổn này như thế nào? công khai, minh bạch ra làm sao để thực hiện tương đối đúng mục đích của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu” - ông Thanh nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu có thể giao cho Chính phủ quyết định thành lập vì đây là giải pháp để bình ổn giá. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung đã rõ, đánh giá kỹ tác động và cần quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập quỹ, quản lý quỹ, nguồn hình thành quỹ, quy định rõ thành lập quỹ phải có thời hạn. Trường hợp không làm rõ các nội dung này thì không quy định trong luật về việc thành lập quỹ.
Ông Hải cũng đề nghị, Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là một loại quỹ bình ổn giá nên phải tuân thủ nguyên tắc của Quỹ bình ổn giá, điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả thực sự có tác dụng trong bình ổn giá xăng dầu. Trường hợp không thuyết minh thuyết phục, cần phải xem xét phương án không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
Hoàn thiện quy định về mua thuốc, vật tư, hóa chất y tế
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Báo cáo về một số vấn đề lớn hiện nay, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, mua thuốc, vật tư y tế là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây. Dự thảo luật cũng đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo ông Cường, tại Điều 23 về Chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phí tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
Nhất trí với vấn đề trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định tại Điều 23 về gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu cần triển khai ngay có thể dẫn đến lạm dụng, chỉ định thầu. Do đó cần giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện về dịch bệnh, thành phần tham gia, trong đó nên có đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu về giá tối thiểu tham khảo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia. Bởi trong Nghị định 98 quy định trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, vật tư cấy ghép, dụng cụ, vật liệu, thuốc thử và chất hiệu chuẩn phần mềm đã bao gồm vật tư y tế, vật tư tiêu hao nhưng không bao gồm hóa chất. Trong trang thiết bị, vật tư y tế thì định nghĩa là không có hóa chất. Nếu không có thêm từ hóa chất này vào, sau này khi tổ chức thực thi kiểm tra sẽ khó khăn.
Giải trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, có ý kiến băn khoăn là việc đưa vào thực hiện ở điều này đối với các loại thuốc và hóa chất trong phòng, chống dịch thì có thể dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng. Nhưng khi mua các vật tư, trang thiết bị, thuốc hoặc hóa chất để phòng, chống dịch thì đều có những điều kiện của nó, không phải là lúc nào cũng mua. Các cơ sở y tế lúc bình thường rất nhiều thuốc và các trang thiết bị, trường hợp mua chống dịch là phải khác hẳn, ví dụ như phải được bố trí vốn, kinh phí để mua.
Ông Luận cũng cho rằng, các cơ sở y tế bình thường sẽ có các trang thiết bị, thuốc, vật tư để phục vụ cho khám, chữa bệnh và cấp cứu thông thường. Nhưng nếu trường hợp xảy ra thiên tai thì một cơ sở y tế ở cấp huyện, cấp tỉnh vượt quá nhu cầu bình thường. Do đó, có “đột biến” thì phải được mua để đáp ứng yêu cầu cấp cứu trong tình huống như vậy. Cho nên quy định được chỉ định thầu trong trường hợp này là cần thiết.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần hoàn thiện quy định về mua thuốc, vật tư, hóa chất y tế, mua sắm tập trung, thẩm quyền ban hành danh mục thiết bị y tế hóa chất, vật tư y tế, đấu thầu tập trung. Quy định cụ thể hơn về đàm phán giá.