Cơ hội phục hồi rõ nét

T.Hằng 16/03/2023 07:00

Từ ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm lãi suất điều hành từ 0,5- 1%. Theo NHNN đây là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới".

Lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Lãi suất trên đà đi xuống

Như vậy, bắt đầu từ 15/3 quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất của NHNN Việt Nam có hiệu lực. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Bên cạnh đó theo Quyết định số 314/QĐ-NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Như vậy đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 2 trong 2 năm gần đây. Quyết định giảm lãi suất điều hành được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế. Kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do cầu thế giới chậm lại, các vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể sớm giải quyết.

Tuy nhiên, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.

Thời gian qua, NHNN cũng đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều NHTM đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.

NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay khi điều kiện thị trường thuận lợi. Đồng thời, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các TCTD có các giải pháp tiết giảm chi phí ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hỗ trợ nền kinh tế

NHNN cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.

Nhận xét về việc giảm 0,5-1% lãi suất điều hành của NHNN, giới chuyên gia cho rằng đây là động thái rất linh hoạt của NHNN trong bối cảnh USD đang yếu hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất ít đi và sớm hạ lãi suất ngay trong năm 2023, giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC nói, việc NHNN tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Động thái này cũng tạo ra dư địa về lãi suất trong trường hợp Fed chuyển hướng diều hâu hơn so với những kỳ vọng của thị trường.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng giai đoạn xấu nhất của lãi suất đã qua. Việc hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa mang tính chiến lược dài hạn nhưng cũng là phản ứng ngắn hạn để “phòng ngự từ xa” trước những biến số khó lường từ thị trường thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Thời gian qua, một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất, nhưng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao, gây ra những rào cản cho sự phục hồi của doanh nghiệp.

Dữ liệu thống kê cho biết tính đến 9/3/2023, huy động vốn của hệ thống TCTD tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022. Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trước việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ngay trong sáng ngày 15/3, nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2% kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước.

T.Hằng