Bắt tay xây dựng kinh tế xanh

THANH GIANG 16/03/2023 07:00

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thị trường tiêu dùng hiện nay rất khắt khe, yêu cầu tiêu dùng không chỉ là sản phẩm rẻ, chất lượng mà phải xanh. Đây cũng là động lực để các các doanh nghiệp hướng đến phục vụ thị trường tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.

Không chỉ yêu cầu cao về mẫu mã bao bì, người tiêu dùng còn hướng đến lựa chọn sản phẩm xanh.

Doanh nghiệp “không xanh không được”

Theo chuyên gia kinh tế - bà Phạm Chi Lan, kinh tế xanh hiện nay đã thành xu hướng và các doanh nghiệp (DN) không xanh không được. Thực tế chứng minh rất rõ, DN nào tăng trưởng xanh thì DN đó có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thương trường, cho nên xanh cũng trở thành động lực cho các DN. DN muốn tồn tại bền vững, muốn cạnh tranh được trên thị trường phải xanh hóa. Bà Lan cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây đã có những DN Việt làm kinh tế xanh. Chính những DN gạo cội đã tiên phong đi vào kinh tế xanh như, Vinamilk, Vinamit…

Đơn cử, Vinamilk phát triển một chuỗi các trang trại xanh, trở thành một DN tiên phong trong xu hướng tăng trưởng xanh không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thị trường thế giới. Hay Vinamit biến các sản phẩm nông sản xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước thành những sản phẩm xanh, sạch, an toàn cho người tiêu dùng, cũng như đầu tư vào cho các DN khởi nghiệp nông nghiệp để làm cho sản phẩm của họ xanh hơn. Mới đây, Công ty tái chế Duy Tân đã xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ. Đáng chú ý, nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này được đơn vị thu gom rác thải nhựa từ Việt Nam. Ông Lê Anh – Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho hay: “Nhựa tái chế của Duy Tân đạt 15 chứng nhận của thế giới về tiêu chuẩn nhựa cho ngành thực phẩm. Hiện, chúng tôi là đối tác cung cấp bao bì nhựa tái chế cho nhiều thương hiệu toàn cầu. Năm 2022, chúng tôi thu gom và tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa. Xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào thị trường Mỹ”.

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh”, “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Nhiều người tiêu dùng cho biết họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm không biến đổi gen,…vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường... Điều đó cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng ý thức hơn về sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh.

Xu hướng tất yếu

Nói về kinh tế xanh, tiêu dùng xanh, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Khách hàng quốc tế không chỉ đòi hỏi sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Trong nước, người tiêu dùng cũng ngày càng khắt khe hơn, lựa chọn sản phẩm xanh và chất lượng hơn. Yêu cầu này buộc DN, nhà sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời”. Ông Thành giải thích thêm, phát triển xanh đã được thế giới quan tâm từ lâu và cũng ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu triển khai với chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thế hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững.

Chia sẻ về sự chuẩn bị cho kế hoạch phát triển xanh, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam cũng đã xây dựng được hạ tầng tiêu chuẩn cho cộng đồng DN, với gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 65% hài hòa với tiêu chuẩn thế giới, trải dài khắp các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Linh bày tỏ, rất mong sự tham gia của cộng đồng DN vào việc xây dựng tiêu chuẩn, để phục vụ lợi ích cho chính DN, biến tiêu chuẩn thành công cụ để DN cạnh tranh.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, gần đây thành phố nỗ lực làm việc với các cơ quan trung ương, giới chuyên gia và các hiệp hội để có thể tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các DN, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững. Ông Mãi khẳng định: “Kinh tế xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ cấp bách buộc chúng ta phải hành động. TPHCM đang phối hợp để hoàn thiện các khung pháp lý, chính sách và luôn sẵn lòng đồng hành với DN trong mục tiêu phát triển kinh tế xanh”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Chính phủ các nước, kể cả Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách phát triển xanh, tăng trưởng xanh. Đây thực sự là quyết tâm lớn của nhà nước.

THANH GIANG