Nhiều tiền có làm được phim hay?
Ngày 14/3, hội thảo điện ảnh quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”, do Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức đã thu hút sự chú ý của giới điện ảnh cũng như những người công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hóa.
Vấn đề đáng chú ý được đặt ra tại hội thảo: Nhà nước có nên đầu tư cho phim tư nhân không?
Theo thống kê của trang phim Moveek, năm 2022 Việt Nam có 38 phim chiếu rạp, cao hơn năm 2017 (36 phim); tương đương năm 2018 - 2019 (cùng 40 phim); gấp khoảng 1,9 lần năm 2020 (24 phim) và gấp hơn 2,7 lần so với năm 2021 (14 phim, thấp nhất trong 10 năm trước đó).
Trong số các phim chiếu rạp thì hầu hết là phim tư nhân bỏ vốn sản xuất, còn phim nhà nước đặt hàng thì làm xong, chiếu ít buổi thì “cất kho”.
Thực ra nhà nước cũng từng đầu tư cho tư nhân làm phim. Tới nay, có lẽ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ (doanh thu 80 tỷ đồng, nhà nước góp vốn 8 tỷ đồng) là thành công nhất. Phim ra rạp vào tháng 10/2015 lập tức tạo nên “cơn địa chấn”, mang “vàng” về cho cả nhà sản xuất và đơn vị phát hành. Phú Yên bỗng nổi tiếng nhờ vào những cảnh đẹp hớp hồn hoa vàng và cỏ xanh.
Sau đó, vào khoảng năm 2018 - 2019, dòng phim kết hợp công - tư này mới xuất hiện trở lại với 4 bộ phim: Truyền thuyết Quán Tiên, Thạch Thảo, Nơi ta không thuộc về và Hợp đồng bán mình. Tuy nhiên, dù rất kỳ vọng nhưng cả 4 phim này đều không gây được tiếng vang. Đến năm 2021, chỉ vỏn vẹn 1 bộ phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác được nhà nước và tư nhân chung đầu tư, nhưng doanh thu chỉ 5 tỷ đồng (báo lỗ hơn 20 tỷ đồng).
Nhìn nhận thực tế như vậy để thấy việc nhà nước có góp vốn làm phim cùng tư nhân đi chăng nữa thì cũng chưa hẳn đã nắm chắc thành công. Có nhiều lý do, song vấn đề ở đây chỉ nhấn mạnh đến câu chuyện, vẫn cần nhà nước đầu tư vào phim tư nhân. Vì rất dễ thấy là nếu đa dạng hóa nguồn đầu tư thì các dòng phim sẽ nhiều hơn, từ đó hy vọng cũng sẽ nhiều hơn về nền điện ảnh nước nhà trong khi giấc mơ phim Việt được Oscar vẫn chưa bao giờ nguôi.
Phim nhà nước đặt hàng hay góp vốn thì cũng cần cả, vấn đề là chất lượng ra sao. Kinh phí là điều kiện quan trọng song kịch bản còn quan trọng hơn, cùng đó là đạo diễn, diễn viên, quay phim, dựng phim… phải là đội ngũ có tay nghề cao. Và rất sâu xa là chúng ta có kể câu chuyện của người Việt Nam hay lại đi vay mượn chuyện nước ngoài. Chỉ khi đi đến cùng thân phận con người, chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì phim ảnh mới chạm đến trái tim người xem. Chỉ nói đến những bộ phim cách đây chưa lâu cũng đủ thấy điều đó. Hẳn ai cũng phải xúc động khi xem Áo lụa Hà Đông, Thung lũng hoang vắng, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi... Những bộ phim ấy đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam vì nó kể những câu chuyện rất đời về người Việt Nam.
Phim nhà nước đặt hàng hay phim tư nhân, phim nhà nước góp vốn thì cũng đều là phim Việt Nam. Nó có thuyết phục hay không, có tỏa sáng hay không, có góp mặt được với thị trường phim ảnh thế giới hay không chỉ khi nó thổn thức cùng với nhân dân mình, đất nước mình mà thôi.