Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao…
“Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/ Con thuyền rất vui, và gió hát ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu...”. Từ ý tứ của những câu hát trong nhạc phẩm xuất sắc “Biển hát chiều nay”, một cuốn sách mang tên “Chân trời gọi nắng” đã ra mắt vào đúng dịp giỗ đầu nhạc sĩ Hồng Đăng.
Trong số những ca khúc viết về biển, về tình yêu quê hương đất nước, “Biển hát chiều nay” xứng đáng là một tuyệt tác. Lời ca trong veo, hồn hậu mà sâu đậm tình yêu quê hương xứ sở. Lại đầy ăm ắp niềm tự hào, khát vọng và sự hào sảng. “Ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca/ Biển kể chuyện quê hương…”.
Có lẽ đây là một trong những bài hát tiêu biểu mang tinh thần nhạc sĩ Hồng Đăng rõ nhất. Ông là thế, sâu sắc và nhân văn, thủ thỉ và chân tình.
Sau một năm ông rời cõi tạm, nói về ông quả thực không biết bắt đầu như thế nào trong số vô vàn những câu chuyện cần phải nói. Bởi vậy thật cảm thông cho chị Lê Anh Thúy - người vợ tảo tần của nhạc sĩ khi lần nào gọi điện thoại chị cũng nói rằng, ngổn ngang quá giữa đống di cảo ông để lại, không biết chọn cái gì vào cuốn sách. Hơn nữa khi ông mất, có đến vài chục bài báo viết về ông, chọn lấy vài ba bài đưa vào sách cũng khiến chị phải tìm và đọc đủ hết.
“Với những ai đã từng có ký ức về Hà Nội nhiều thập niên trước, khi mỗi mùa hoa sữa ngọt vô cùng trên vòm trời đêm dọc Nguyễn Du, dọc Trần Hưng Đạo, dọc những con đường Hà Nội sau một buổi đi xem ca nhạc ở Cung Hữu nghị hay ở Nhà hát Lớn thì âm nhạc Hồng Đăng mới thấm đẫm làm sao. Những đêm hoa sữa cực kỳ Hà Nội ấy mà Hồng Đăng như tạc cho Hà Nội một tuyệt tác nghệ thuật không rõ hình hài nhưng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Hồng Đăng trở thành một phần của Hà Nội, ngay cả khi ông khiêm nhường sống trong một căn nhà ngoài đê chỗ bến Hồng Hà”.
Tất cả các nhà báo ở Hà Nội quen biết ông Hồng Đăng đều gọi vợ chồng ông là chú Đăng - chị Thúy. Vì khoảng cách tuổi tác khá xa giữa hai người. Và cuộc tình ấy cho đến ngày hôm nay, tròn một năm ông mất, vẫn là một cuộc tình lớn lao và trọn vẹn. Tình yêu ấy được chị Lê Anh Thúy dành suốt một năm qua để tìm kiếm, sắp xếp lại toàn bộ di cảo ông để lại, công phu biên soạn cuốn “Chân trời gọi nắng” ra mắt vào dịp này.
Khi chị Thúy gửi cho xem những bài viết của nhạc sĩ Hồng Đăng để lại trong số những di cảo, quả thực rất bất ngờ. Một Hồng Đăng lúc nào cũng chậm rãi, bình thản và từ tốn, lại đã từng đọc những tham luận mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết tại các kỳ đại hội hay tại một cuộc gặp của lãnh đạo Đảng với văn nghệ sĩ, hoặc một hội nghị tổng kết chỉ thị của Đảng về văn hóa.
Vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, đọc lại những gì Hồng Đăng đã từng viết, từng phát biểu, từng đọc tại các kỳ cuộc ấy, thấy vẫn còn tính thời sự. Thấy mong muốn và khát vọng đưa văn hóa và âm nhạc nước nhà ra biển lớn của ông, trên cương vị Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam liền 3 nhiệm kỳ, mới cháy bỏng làm sao.
Ví dụ bài phát biểu của ông có đầu đề “Xin hãy giúp nghệ sĩ chúng tôi thắp lên ngọn lửa” - một tham luận tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa, diễn ra ngày 13/10/1992. Đây là một trích đoạn: “Chỉ xin nhắc một điều: Tất cả giới nghệ sĩ chúng tôi, ai cũng muốn làm việc mà điều kiện làm việc lại eo hẹp đến một mức vô lý. Và nếu được trang bị một cách đầy đủ, chúng tôi có thể đẩy mạnh tốc độ lên một mức khác xa với hiện nay. Nếu như tình trạng thiếu thốn vẫn tiếp diễn, không có cách nào khác, chúng tôi chỉ nhìn nhau cười.
Sống thì dễ, sống để làm nghệ thuật mới là điều khó và sống để nuôi dưỡng một thứ nghệ thuật chân chính lại càng khó khăn gấp bội. Vì vậy có lẽ, không một ai thực sự thông cảm với chúng tôi trong những khó khăn về nghề nghiệp”.
Tập hợp những tham luận của nhạc sĩ cùng các bài viết của ông về văn nghệ sĩ bạn bè là phần đầu của cuốn sách - phần quan trọng nhất. Đọc để hiểu vì sao một người đầy chất nghệ sĩ như ông lại cũng là người quyết liệt để trong nhiệm kỳ của mình, ông kiến tạo được chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”.
Trong số các bài viết của ông về văn nghệ sĩ bạn bè, có đến 4 bài ông viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bây giờ người ta đã viết và khai thác thông tin về Trịnh Công Sơn quá nhiều, nhưng đọc lại những lời ông Hồng Đăng viết về Trịnh Công Sơn vẫn thấy có một góc nhìn rất khác, rất hồn hậu trong sự quý trọng một người tài, lại cũng như là lời tự sự của chính mình về cuộc đời nghệ sĩ vậy.
Trong cuốn sách có phần bạn bè viết về ông, một phần nữa mà chị Lê Anh Thúy gọi là phần tử vi, tức những câu chuyện chị Thúy ghi lại về việc Hồng Đăng đã xem tử vi cho nhiều người nổi tiếng như thế nào. Những tưởng ông chỉ coi tử vi là một việc giống như trà dư tửu hậu trong những cuộc rong chơi của một người ham chơi, thì ra không phải, hóa ra là ông đã từng đọc hẳn một tham luận về tử vi trong một kỳ họp của Ủy ban Quốc gia về Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hóa. Ở đó, ông nói rằng tử vi là một vấn đề văn hóa, một bộ môn khoa học. Nhưng đồng thời ông cũng cảnh cáo việc lợi dụng tử vi để bịp bợm.
Một năm sau khi nhạc sĩ Hồng Đăng rời cõi trần, nhìn lại tinh thần của ông, di cảo của ông, lại hình dung ra một nụ cười hóm hỉnh, một người lịch lãm và văn hóa. Một người gần như không nói to bao giờ, giống như âm nhạc của ông, không có bản nào ồn ào, nhưng da diết mùi hoa sữa, da diết tiếng ve trong thành phố tuổi thơ một thuở nào. Và cất lên những thanh âm rất đỗi tự hào: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam”!
“Xin đánh giá thật đúng cho người nghệ sĩ hiện nay. Đừng sợ mà phải tiếp cận để hiểu và nâng đỡ bằng tình thương yêu, lòng nhân hậu, bằng cái Tâm thì sẽ thắng tất cả. Bằng sự xa cách thì sẽ dễ hiểu nhầm nhau và từ đó đi đến những đánh giá bất công và phi lý. Không dám nói đến mặt khác, riêng phía nhạc sĩ chúng tôi thấy không cần lo lắng về những vấn đề của tư tưởng. Sự trung thành và tinh thần yêu nước đã là một lực lượng tiềm ẩn lâu đời trong mỗi anh em nhạc sĩ (tất nhiên, đừng lầm lẫn vàng thau, lầm lẫn giữa những người cơ hội và những nghệ sĩ chân chính). Cho nên điều đáng lo lắng hiện nay là giữa cái thực và cái giả không dễ phân định được. Hàng giả nhiều khi lại có vẻ màu mè hơn hàng thật, hoa giả dễ đẹp hơn hoa thật, răng giả cũng có vẻ đẹp hơn răng thật! Việc phân định thật giả trong nghệ thuật phải có con mắt sành sỏi, phải có một trọng tài công minh, nghĩa là phải có trình độ, có tấm lòng.”
(Trích tham luận “Xin hãy giúp nghệ sĩ chúng tôi thắp lên ngọn lửa” của nhạc sĩ Hồng Đăng)