Chuyện hồ Tây

NGUYỄN HIẾU 21/03/2023 07:28

Hồ Tây còn có nhiều tên gọi. Đó là hồ Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, hồ Lãng Bạc, hồ Dâm Đàm và Đoài Hồ. Chỉ riêng đi truy nguyên các tên của hồ Tây đã thấy hiển hiện lên diễn biến lịch sử của kinh thành Thăng Long với những thăng trầm vật đổi sao dời.

Một góc hồ Tây hiện nay. Ảnh: Lê Minh.

Những huyền tích

Nguyên nhân hồ Tây có tên hồ Xác Cáo - tên xa xưa nhất trong các tên gọi của hồ Tây là bởi theo sách “Lĩnh Nam Trích Quái” chép: Thời Lạc Long Quân, khu vực hồ Tây có con cáo chín đuôi thành tinh thường xuyên hiện lên quấy nhiễu dân lành. Lạc Long Quân bèn sai thủy phủ dâng nước ngập hang cáo, giết chết con vật độc ác, tinh quái này. Cáo thành tinh bị chết, xác cáo nổi vật vờ trên mặt hồ và thành tên hồ.

Còn tên hồ Tây là hồ Kim Ngưu thì tương truyền rằng nhà sư Minh Không sang chữa bệnh cho vua phương Bắc. Khi khỏi, để cảm tạ Minh Không vua cho vào kho báu muốn lấy gì thì lấy. Nhà sư chỉ lấy đồng đen bọc trong tay nải. Khi về ngài cho đúc chuông thờ Phật. Khi thử chuông thì có con trâu vàng từ phương Bắc nghe tiếng chuông đồng đen vang lên, trâu ngỡ tiếng mẹ gọi bèn chạy sang. Đến khu vực hồ Tây thì tiếng chuông dứt, trâu vàng loanh quanh tìm mẹ, dẫm nát vùng đất, sụt xuống thành hồ. Từ đó hồ mang tên hồ Kim Ngưu - trâu vàng.

Đến thế kỉ thứ 10, con gái Chúa Khúc Thừa Dụ là công chúa Khúc Thị Ngọc nhân đi chơi hồ Tây, gặp mưa vào chùa Trấn Quốc thỉnh chuông niệm phật. Mưa ngớt bà xuống thuyền thì thấy con trâu vàng bơi ở đầu thuyền công chúa xin dẫn đường. Thuyền công chúa bơi theo trâu vàng. Bơi tới đâu thì lạch biến thành sông, bùn lầy thành ruộng đồng, làng mạc, dân cư sầm uất. Công chúa dậy cho dân trồng lúa, trồng dâu. Sau đó, bà hóa và trở thành Quỳnh Hoa Thánh Mẫu.

Còn tên Lãng Bạc là một tên khác của hồ Tây là tiếng ngạc nhiên của Mã Viện khi dẫn quân đến bờ hồ này nhìn mặt nước cuồn cuộn sóng, ông ta bèn kinh hãi thốt lên: “Mặt hồ này lãng bạc - đầy sóng vỗ. Khí thiêng chốn này là đây”. Tên Lãng Bạc vào năm 1945 từng là biểu tượng của Hà Nội.

Hồ Tây khi mang tên là hồ Dâm Đàm lại là bi kịch của vị Thái Sư Lê Văn Thịnh. Người đỗ đầu khóa thi Minh tinh bác học đầu tiên của nước ta, tương đương với Trạng nguyên đời sau. Sự oan khiên của vị Thái sư lừng danh này bắt đầu từ buổi dạo chơi xem đánh cá trên hồ của vua Lý Nhân Tông. Hôm đó mặt hồ nhiều sương mù, người đánh cá tên Mục Thận bất ngờ thấy hổ đang ngọ nguậy trong thuyền bên cạnh thuyền vua, bèn quăng lưới bắt hổ cứu giá.

Khi mở lưới hóa ra Thái sư. Nỗi oan khiên của vị trung thần sau được nghệ sĩ dân gian tạc thành bức tượng vua ân hận với trung thần qua hình tượng rồng trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”. Đến thời nhà Lê vì vua Lê Thế Tông có tên húy là Duy Đàm nên triều đình bắt bỏ tên Dâm Đàm đi mà gọi là hồ Tây.

Chưa hết, vào thời kì thế kỉ 17 giai đoạn 1657 - 1682 khi chúa Trịnh Tạc được phong là Tây Vương ngài bèn bắt đổi tất cả những địa danh có từ Tây thành Đoài. Vậy là một lần nữa hồ Tây mang tên Đoài Hồ.

Xem ra như vậy mới hay hồ Tây có từ rất lâu ngay từ thời hình thành nước Âu Lạc - Việt Nam ta. Xét về địa lý và cảnh vật thì hồ Tây chính là một khúc của sông Hồng do năm tháng, địa hình thay đổi mà tách ra bị chặn lại thành một con hồ trác tuyệt cho Kinh thành Thăng Long.

Ảnh: Việt Khánh.

Đang bị thu hẹp dần

Nếu căn cứ vào những di tích, tên gọi của làng, mạc còn sót xung quanh hồ thì đủ biết hồ Tây từ hồi sinh ra là rất rộng, đúng với chữ mênh mông và bát ngát. Xưa kia xung quanh hồ Tây có rất nhiều động. Phía tây hồ là Già La Động nay thuộc Quán La, phường Xuân La. Phía đông có Nha Lâm Động, nay thuộc Phố Yên Ninh - Hòe Nhai. Phía nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá) nay thuộc khu Hoàn Kiếm.

Chẳng những nhiều động mà phong cảnh hồ Tây cũng khiến nhiều triều đại phong kiến thường xây các cung điện xung quanh hồ để tận hưởng không gian và khí tiết, phong thủy của hồ Tây. Thời Lý Trần có cung Thúy Hoa (đời Lý), điện Hàn Nguyên (đời Trần) nay là khu chùa Trần Quốc, đời Lý còn thêm cung Từ Hoa nay thuộc khu vực chùa Kim Liên, đời Lê có cung Thuỵ Chương nay thuộc khu trường Chu Văn An.

Chẳng cứ vua chúa mới biết vẻ đẹp, giá trị kì ảo của thiên nhiên hồ Tây, người dân khắp nơi cũng hiểu hồ Tây cùng cảnh vật và sản vật của hồ Tây là hấp dẫn thế nào với cuộc sống con người, vì thế nên quanh hồ Tây thuở xưa đã có tam thập trại - 13 làng trại ví như các cành hoa bao quanh.

13 làng trại đó có từ thời Lý Nhân Tông, tận hưởng sự trù phú của hồ Tây trở thành các làng chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho thành Thăng Long. Năm tháng dãi dầu, biến đổi khôn lường, giờ chỉ còn vài ba địa danh vốn dĩ là làng còn giữ đôi nghề như Ngọc Hà thì dệt lụa, trồng hoa. Hữu Tiệp nghề mộc, trồng hoa. Thời Pháp sát cùng Ngọc Hà, Đại Yên làng thuốc, Hào Nam trồng rau… Không ít nghề của 13 làng trại đó đã phôi pha chỉ còn lại cái tên ven hồ. Tỷ như sát phố Yên Hoa, Yên Phụ từ xa xưa còn làng Trúc Yên chuyên làm mành trúc. Trúc trồng mọc như rừng. Hay giống sâm cầm “vỗ cánh mặt trời” nổi tiếng của hồ Tây trước chiều về bay ngan ngát, rợp sóng hồ mà từ năm 1994 đến nay tịnh không còn con nào về nữa vì hồ Tây hẹp dần, nước bẩn, ô nhiễm, ít rong rêu cùng nạn săn bắn bừa bãi.

Hồ Tây mênh mông, bát ngát thế nhưng thường bị lấn chiếm, xâm phạm. Đến nay, hồ Tây đã bị thu nhỏ rất nhiều. Khi tiếp quản Thủ đô, hồ Tây còn gần 1.000 ha nhưng đến nay chỉ còn vẻn vẹn 500 ha. Cho đến những năm tháng gần đây vẫn không ít người coi hồ Tây như nơi màu mỡ để họ tìm đủ mọi cách chiếm đoạt, biến nó thành nơi kiếm lợi. Lấn chiếm đã dành mà còn làm ô nhiễm hồ Tây. Những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỉ này, hồ Tây oằn mình gánh đủ thứ nhà hàng du lịch, ăn uống nổi. Hàng ngày đổ hàng nghìn tấn nước, rác thải xuống mặt hồ, có thời điểm 200 tấn cá hồ Tây chết nổi kín mặt nước, bốc mùi xú uế. Nhà hàng nổi trên hồ Tây đến nay vẫn còn một số rỉ hoen mặc dù có lệnh giải tỏa từ rất lâu.

Chưa hết, trong các cuộc hội nghị liên quan tới môi trường nước hồ của Hà Nội, nhiều phát biểu về hồ Tây đều ca ngợi đó là lá phổi, là điều hòa của Hà Nội, là thắng cảnh độc nhất vô nhị của Thủ đô. Nhưng buồn thay, hiện nay quanh hồ Tây vẫn còn tới 30 chiếc cống liên tục ngày đêm thải nước sinh hoạt xuống hồ.

Hồ Tây, thắng cảnh tuyệt vời của Thăng Long ngàn năm, vậy mà…

LTS: Khi nhận được thông tin nhà văn Nguyễn Hiếu qua đời sáng 5/3/2023, chúng tôi thật sự bất ngờ. Bởi trước đó, sáng 4/3, ông vừa gửi email bài viết về hồ Tây để đóng góp vào số Tinh hoa Việt 191. Gửi bài xong, ông còn nhắn tin trên Zalo để thông báo. Vậy mà…

Nhà văn Nguyễn Hiếu sinh năm 1948, quê Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam… Ông tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, làm biên tập viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Là một nhà văn, nhà báo đi nhiều, viết khỏe, Nguyễn Hiếu đã viết và xuất bản 21 tiểu thuyết, trong đó có thể kể đến: “Chuyện tình người điên”, “Chân trời vỡ đôi”, “Người đàn bà quỷ ám” (đều in năm 1990); “Tôi bán mình” (1993), “Dòng sông màu máu” (3 tập, năm 1996); “Tình nhân” (2009), “Vàng dưới đáy sâu” (2010), “Mặt nạ để đời” (2011)…

Ông còn viết 13 kịch bản sân khấu, 3 kịch bản phim truyện, 2 tuyển tập truyện ngắn, 1 tuyển tập kịch, 1 tuyển thơ. NXB Hà Nội đã cho xuất bản “Tuyển tập Nguyễn Hiếu” với 10 tập sách dày hơn 6.000 trang. Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn học của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam, Báo Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và các liên hoan sân khấu toàn quốc.

Hơn 1 năm nay, dù sức khỏe suy giảm, nhà văn Nguyễn Hiếu vẫn cố gắng tham gia các sinh hoạt văn nghệ, và viết bài cho các báo, tạp chí, trong đó có Tinh hoa Việt. Những chân dung văn nghệ ông gửi tới cho chúng tôi đều là những bài viết dạt dào tình cảm, vì những nhân vật ông viết thường là những người ông đã quen thân, có nhiều kỷ niệm.

Tiễn biệt nhà văn Nguyễn Hiếu, Tinh hoa Việt số này xin giới thiệu bài viết của nhà văn-nhà báo Xuân Ba, và bài viết cuối cùng nhà văn Nguyễn Hiếu gửi tới chúng tôi…

T.H.V

NGUYỄN HIẾU