Không viết văn nữa có khi tôi sẽ hạnh phúc hơn

Y BAN 24/03/2023 07:58

Một điều tôi chắc chắn rằng, những nhà văn nam chí ít đều có chiếc bàn viết của riêng mình, nhiều người khá giả thì có hẳn phòng văn. Còn những nhà văn nữ như chúng tôi, chẳng mấy ai có cái gọi là bàn viết, nói gì đến cái gọi là phòng văn kia.

Minh họa: Công Quốc Hà.

Ấy là do tôi quan sát những nhà văn nữ. Như nhà văn Thùy Dương có cái bàn kiểu Nhật Bản kê ở phòng ngủ. Mỗi khi viết chị ngồi vào chiếc bàn đó với một đống giấy trắng bên cạnh. Thời thế giới phẳng không mấy ảnh hưởng đến nhà văn Thùy Dương. Chị vẫn mê mải sải chữ trên những tờ giấy trắng bằng nét chữ viết tay to như con gà mái ghẹ. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thì ngược hẳn, lúc nào bên cạnh chị cũng có cái laptop.

Tôi có nhiều “bàn” viết. Thuở mới đầu viết lách tôi ở cùng bố mẹ trong căn nhà cấp 4 khu tập thể Bệnh viện 1 Nam Định, khi tôi đang là giảng viên của Trường Cao đẳng Y tế. Cái sự viết lách của tôi khi ấy như là một việc làm xấu lắm nên phải giấu giếm. Nhớ cái hồi học lớp 8 (hệ 10 năm 1974) tôi đã dấm dúi viết những mẩu chuyện nho nhỏ vào một cuốn vở. Tôi viết trên trang đầu tiên: “Những mẩu chuyện (nhỏ) tự viết”.

Mỗi lần viết xong tôi giấu cuốn vở đó xuống dưới chiếu. Một lần em trai thứ ba của tôi bắt được, đọc rồi hỏi tôi, chị viết những chuyện này gửi cho bố à? Khi đó bố tôi đang đi B ở Quảng Trị. Tôi rất xấu hổ gào lên, sao mày dám đọc của tao. Em tôi sợ quá vội lỉnh mất. Tôi đợi bố mẹ đi ngủ, tôi buông màn và ngồi bò ra giường để viết. Chỉ có ngọn đèn đỏ yếu công suất và những tờ giấy đen. Thi thoảng hết mực lại rón rén dậy bơm mực. Ngồi ở tư thế đó rất mỏi, hai đầu gối tì vào ngực. Khi nào mỏi quá tôi nằm lăn ra giường. Những chữ trong đầu trào ra, tôi lại ngồi dậy. “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” và “Người đàn bà có ma lực” đã ra đời trên cái-bàn-viết-giường như vậy.

Cái bàn viết thứ hai là ở sân Hàng Đẫy ở Hà Nội. Nơi tôi lấy chồng sinh con đẻ cái. Hai đứa con tôi chào đời ở đây. Hai đứa con là “cái rốn” của vũ trụ, tôi còn có thể nào quan tâm đến cái bàn viết. Tuy nhiên công việc làm báo đã bắt buộc tôi phải có bàn viết. Trước năm 2000 tôi chỉ viết tay. Khi cần phải viết tôi ngồi vào bàn học của con gái, được kê ở tầng 1 giữa những bức tượng. Một buổi tối tôi phải hoàn thành nốt bài báo để sáng mai nộp. Tôi xuống tầng dưới ngồi vào chiếc bàn học của con gái để viết. Bỗng nhiên nghe tiếng khóc xé ruột của con trai nhỏ. Tôi vội nhào lên. Con trai tôi khi đó gần 2 tuổi, được cô giúp việc trông nom. Cô giúp việc mải xem vô tuyến đã để cháu đi vào nhà tắm. Cháu ngã vập cằm vào bậc thềm. Máu chảy ướt đẫm cả áo. Tôi bế con băng vết thương, dỗ cho con ngủ và lại xuống dưới nhà viết tiếp bài báo.

Bây giờ là câu chuyện cái bàn viết thứ ba. Năm 2010 tôi chuyển nhà lần nữa. Căn nhà hiện nay tôi đang sống ở giữa doi đất, một bên là sông Hồng, một bên là sông Đuống. Nhà của tôi ở bên cạnh sông Hồng. Khi sửa nhà tôi nói với chồng làm cho tôi một cái chòi lợp lá gồi trên tầng 3 quay ra sông Hồng. Tôi muốn có một cái chòi văn. Nhưng rồi khi đưa vào sử dụng nó lại thành cái... chòi rượu. Khi khách đến nhà chơi chỉ thích lên đó uống rượu. Phòng bếp có cửa sổ quay ra sông đã trở thành phòng viết của tôi. Cái bàn ăn thành cái bàn viết. Tôi đặt chiếc máy tính xách tay lên bàn ăn, mặt hướng vào bếp. Khi bí từ tôi nhìn chăm chú vào cái bếp. Cái bếp ở trạng thái nghỉ ngơi, đầy vẻ thanh thản, no đủ. Thì trước đó khi lửa ràn rạt reo vui dưới đáy nồi đã cho những món ăn hài lòng.

Trong căn nhà tôi đầu tư cho cái bếp nhiều tiền nhất. Tôi cũng như cái bếp đầy vẻ thanh thản và no đủ. Những từ vẫn tắc tị trong đầu, tôi không thể diễn đạt được. Sự căng thẳng sắp chuyển sang một cơn kiệt máu lên não, sẽ gây đau đớn. Tôi đứng dậy đi ra khỏi bàn viết. Tôi đứng cạnh cửa sổ, tôi nắm hai tay vào song sắt. Sông Hồng chảy dài phía ngoài kia mờ mờ trong một làn sương khói. Trong màn sương khói mờ ảo đó thành phố hiện ra như một thành phố trên thiên đường? Có những buổi sáng nắng rờ rỡ, từ cửa sổ tôi có thể nhìn rõ cả đỉnh núi Ba Vì. Buổi chiều trong cái buổi sáng có ánh nắng rờ rỡ đó tôi đã chứng kiến buổi hoàng hôn huy hoàng trên mặt sông Hồng. Mặt trời đỏ lừ, lặn dần xuống dưới sông, hất lên những vẩy vàng lóng lánh. Phía chân trời từng đám mây kết thành một ngôi làng, có con sông, có cây đa, một con thuyền có hai người, chắc là một đàn ông một đàn bà, đang chèo thuyền cập bến. Bình yên vĩnh cửu một cõi tâm linh.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, những ngày giãn cách xã hội tôi chỉ có hai việc để làm: Chăm bón cây và viết. Tôi đã chuyển bàn viết xuống tầng 1. Tôi thường ngồi vào bàn viết từ 11 giờ trưa đến khoảng 5-6 giờ tối.

Rồi tôi vừa viết vừa xóa. Tôi vừa viết vừa khóc, nước mắt sao nhiều thế. Có lúc bật thành tiếng rên trong cổ họng, chỉ rên nhỏ sợ người khác nghe thấy. Ngày nào tôi cũng ngồi vào bàn viết ròng rã hơn 1 tháng trời. Viết và khóc nhưng vẫn ra con chữ. Tôi vừa viết về cái chết vừa viết về những phận người và về những tấm lòng cao cả.

“Thực đơn ngày 5/8/2021: Hôm nay có cà ri hải sản nấu bằng sữa tươi và sữa đặc (tôm, mực, chả cua) ăn kèm bánh mì cho các bác sĩ và cháo tôm bí đỏ cho các bé. Chúc mọi người ngon miệng”.

“Giữa tâm dịch thời Covid mà bếp nhà nào sang chảnh thế chứ, nhìn món nào cũng ngon chưa đủ còn đẹp mắt nữa, xin thưa đó là bếp của mẹ con nhà Mỹ Linh. Hàng ngày tôi luôn phải đảo qua bếp Facebook của nhà Mỹ Linh để ngắm để nhìn để xao xuyến để tin yêu và để ngưỡng mộ. Từ hơn 2 tuần nay ngày nào bếp nhà mẹ con Mỹ Linh cũng đỏ lửa để nấu hơn 300 khẩu phẩn ăn cho các bác sĩ và các em bé nhỏ tuổi không may mắc phải Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 8.

Đan Hà là nhà báo công tác tại Báo Công lý, chị ở một căn hộ chung cư rộng 120m2 mỗi ngày nấu 400 phần ăn sáng bao gồm 300 phần cho các y bác sĩ và 100 phần cháo cho bệnh nhi. Căn hộ đã chuyển thành bếp ăn dã chiến với đầu bếp chính Đan Hà và 3 phụ bếp một cô con gái nhỏ 10 tuổi và hai thiếu nữ 25 và 23 tuổi”.

Tôi là nhà văn hay viết về “nỗi sầu nhân thế”, những bi kịch và nước mắt. Tôi luôn có cảm hứng với câu chuyện và chi tiết “nặng đô”. Trong đại dịch Covid-19 này còn điều gì có thể nặng hơn chứ. Chết là hết hay chết chưa phải là hết? Tôi bỗng nhận ra chết chưa phải là hết. Có những sự cao cả vượt lên trên hết thảy. Tôi bỗng có năng lượng và đầy cảm hứng với những sự cao cả đó. Tôi tự nhủ tôi sẽ viết về điều đó.

Có những khi không khóc và không viết được gì tôi ra sân tỉa cây và bắt sâu. Tôi dùng tay không để bắt sâu và giết chúng cũng bằng hai ngón tay trần không hề đeo găng. Tôi vốn không sợ sâu nhưng bóp chết dí một con sâu bằng chỉ hai ngón tay thì kể là lần đầu.

Hơn một tháng ròng rã tôi quyết định đóng máy kết thúc bản thảo “Sài Gòn làn sóng thứ tư”. Tôi cũng quyết định không viết về nỗi buồn mà nỗi buồn mới là một năng lượng muôn thuở để các nhà văn sáng tạo. Có một đêm tôi rất muốn viết. Tôi nhổm dậy xuống bàn viết. Cứ ngồi nhìn vào màn hình để gặm nhấm một nỗi buồn. Nhìn chán rồi thì nhìn qua cửa sổ. Sao trên đời lại có đêm trăng sáng đến như vậy? Tôi rời bàn viết. Tôi đứng bên cửa sổ. Không phải là cửa sổ quay ra sông. Cửa sổ quay ra vườn. Những cái lá trên cây in trên mặt đất dưới ánh trăng rõ cả mép răng cưa. Tim tôi nấc lên. Tôi gặp lại tuổi thơ mình. Cái thời lên 5 lên 7, một mình nhảy múa dưới trăng cười như nắc nẻ. Bố mẹ tôi sợ hãi kêu lên, con bé này khéo điên rồi. Tôi đã không điên. Có một điều bố mẹ tôi không thể ngờ rằng tôi lại là nhà văn.

…Bây giờ tôi đang trống rỗng. Ngồi trước cái bàn viết của mình, tôi tận hưởng sự trống rỗng đó như đất ruộng nằm phơi ải sau hai vụ lúa. Tôi rất thích thú với khoảng trống rỗng này. Và hình như tôi đang bám vào một ý nghĩ, có lẽ khi không viết văn nữa tôi sẽ hạnh phúc hơn.

Y BAN