Đổi mới thi cử: Kỳ thi THPT quốc gia có còn cần thiết?
Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang bị tăng áp lực thi cử bởi các trường đại học dần có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng các kỳ thi riêng.
Chạy đua cả 2 kỳ thi chung-riêng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, vào các ngày 27, 28, 29, 30/6, thay vì vào tháng 7 như các năm trước.
Thời gian từ nay tới khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra không còn nhiều. Tới thời điểm này, học sinh lớp 12 trên cả nước đang dồn sức ôn luyện, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, mùa thi năm nay, học sinh lớp 12 đang bị tăng áp lực thi cử bởi các trường đại học dần có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng các kỳ thi riêng.
Trong số hơn 80 trường công bố phương án tuyển sinh năm 2023 thì có tới 10 trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào.
Ví dụ như: Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, thi đánh giá của Bộ Công an, thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội, thi năng khiếu các trường khối ngành Mỹ thuật, Âm nhạc.
Không chỉ tăng số lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, năm nay số thí sinh dự thi các kỳ thi này cũng tăng mạnh. Tại kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh đăng kỳ dự thi lên tới 91.500 thí sinh, tăng gần 10.000 thí sinh so với năm ngoái, đông nhất từ trước tới nay.
Lý giải về việc lượng thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đợt 1 năm nay tăng, theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho rằng, kỳ thi năm nay có một số thay đổi, trong đó có việc tăng thêm 4 địa điểm thi, nâng tổng số địa điểm thi lên 21 tỉnh thành, tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi này.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Số trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này ngày càng tăng và nhiều trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Riêng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm nay dự kiến tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực tối thiểu đạt 45%. Do vậy thí sinh dự thi ngày càng tăng là điều dễ hiểu.
Việc tổ chức các kỳ thi riêng được đánh giá là mở thêm cơ hội vào đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xu hướng này đang làm tăng áp lực thi cử cho các em bởi trong đó có không ít học sinh lớp 12 phải gánh áp lực của ít nhất 2 kỳ thi, gồm: thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực hoặc tư duy của một trường đại học.
Vừa trải qua kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội đợt 1, em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 12 (Hà Nội) cho biết, em thấy nhẹ cả người vì bài thi hoàn thành khá tốt. Sau kỳ thi này, Châu tiếp tục chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Châu cho biết, để chuẩn bị kiến thức tham dự 2 kỳ thi riêng, Châu phải đối mặt với nhiều áp lực trong học tập. Ngoài việc ôn tập kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Châu dành khá nhiều thời gian cho việc học thêm, luyện các đề minh hoạ thi đánh giá năng lực trên mạng.
Tại Trường THPT Việt Đức, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, hiện có nhiều học sinh có nguyện vọng thi nhiều kỳ thi đánh giá năng lực của các trường. Chỉ riêng việc sắp xếp thời gian để tham gia đủ các kỳ thi này đã là một vấn đề lớn.
Tuyển sinh giảm lệ thuộc điểm thi tốt nghiệp THPT
Bên cạnh phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GDĐT cho thấy, có tới gần 20 phương thức xét tuyển, trong số này các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh của các phương thức.
Ở góc độ cơ quan quản lý, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng cũng là tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Còn thực tế, thí sinh không cần. Đại đa số các trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ những thí sinh muốn thi vào những trường, ngành có tính cạnh tranh cao mới lựa chọn 1 đến 2 kỳ thi.
Dẫu đại đa số các trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng việc các trường giảm chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển này và tăng chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển khác cho thấy, các trường giảm dần lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc các trường tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Trung ương khóa XI. Chỉ có một số ít ngành, cung không đáp ứng đủ cầu mới tổ chức kỳ thi riêng.
Lo ngại, phía sau các kỳ thi sẽ là lệ phí thi, đẩy các kỳ thi thành kỳ thi đặc thù, thiếu minh bạch trong tuyển sinh, thế nên, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, Bộ GDĐT nên xem xét, chấn chỉnh lại không để tình trạng “trăm hoa đua nở” các kỳ thi riêng.
Việc các trường đại học có xu hướng giảm dần lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng đầu vào bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Câu hỏi về nên duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được đặt ra.
Cho rằng các kỳ thi riêng đang gây phiền hà cho thí sinh, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các trường cần chứng minh được kỳ thi tốt nghiệp THPT - một kỳ thi huy động toàn bộ các lực lượng tham gia không đáng tin cậy bằng kỳ thi do một trường tổ chức hoặc không bằng các phương thức xét tuyển khác.
Việc trường chứng minh được kỳ thi tốt nghiệp này không đạt yêu cầu thì khi đó đưa ra phương thức xét tuyển khác mới thuyết phục.