Chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới. Qua đó, góp phần quan trọng củng cố nền Biên phòng toàn dân vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tuyến biên giới đất liền của tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều dài khoảng 80,4km, tiếp giáp với 2 tỉnh Salavan và Sê kông của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Người dân sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số… Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhiều chương trình, dự án quốc gia đã đầu tư phát triển kinh tế, xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Nhờ đó, đời sống của nhân dân biên giới ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới (Chỉ thị 01), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu, phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện đưa Chỉ thị 01 vào cuộc sống.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực chung tay, góp sức với BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới. Trong đó, đã thành lập 43 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với hàng nghìn lượt người dân ở khu vực biên giới tham gia. Qua đó đã phát huy vai trò, trách nhiệm, duy trì hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới”.
Già làng Nguyễn Minh Sang (trú tại xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) cho biết, là người có uy tín tại địa phương, các già làng, trưởng bản trên địa bàn huyện luôn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân phải bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc.
Với đặc thù người dân thường canh tác, trồng trọt ở sát khu vực biên giới nên khi có sự việc xảy ra, người dân kịp thời báo tin khi phát hiện hành vi xuất nhập cảnh, hành nghề trái phép trong khu vực biên giới, phát hiện các hoạt động khai thác trái phép lâm sản, khoáng sản, xâm hại tài nguyên môi trường… sẵn sàng tham gia cùng lực lượng BĐBP đấu tranh với các hoạt động vi phạm. Đồng thời, cùng lực lượng chức năng phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, các hành vi vi phạm, bảo vệ an ninh trật tự an toàn khu vực biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp dân thay đổi tư duy từ sản xuất tự cung, tự cấp sang hàng hóa. Nhờ đó, đời sống, kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới ngày càng phát triển.