Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

T.Hằng 17/03/2023 07:33

Mặc dù chính sách hỗ trợ lãi suất đã và đang được tập trung đẩy mạnh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không hề đơn giản.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ảnh: Vũ Khuê.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa “đói” vốn

Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vốn tín dụng là vấn đề được cộng đồng thương nhân xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm nhất hiện nay.

Ông Hoàng Minh Nhật - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật cho rằng, đặc điểm với ngành lúa gạo, các sản phẩm nông sản Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất thời vụ rất cao. Do đó, khi doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thời vụ thì lại gặp khó khăn.

Trong khi đó ở ngoài Bắc, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên nêu thực trạng, với đặc thù là 95% DN có quy mô nhỏ và vừa, với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay, nhiều DN cần được giãn nợ, hoãn nợ, nếu không có thể dẫn đến phá sản.

“Lợi nhuận từ kinh doanh hiện nay không thể đủ trả nợ, nhất là khi DN nhỏ và vừa có sức cạnh tranh rất kém so với các tập đoàn lớn. DN nhỏ và vừa không dám vay, dẫn đến khả năng mở rộng quy mô của sản xuất, kinh doanh là không có”, bà Hà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa đề xuất, nên chăng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị Chính phủ cho NHNN tạo điều kiện cho vay đối với DN nhỏ và vừa với chuẩn tín dụng thấp hơn. Thông qua NHNN rồi mới đến các ngân hàng thương mại. Nếu các ngân hàng không thể đột phá được, bị bó về mặt thể chế thì DN vẫn khó tiếp cận vốn.

75% DN nhỏ và vừa phải huy động vốn phi chính thống

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn chủ yếu qua các ngân hàng thương mại, chiếm tới 90%, trong khi đó việc tiếp cận vốn qua Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa và Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa vẫn còn vướng rất nhiều vấn đề về cơ chế.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phản ứng kinh tế trung ương, các DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn chính thống chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống.

Về nguyên nhân khó tiếp cận vốn của các DN nhỏ và vừa, theo bà Bùi Thu Thủy, hiện nay quy mô vốn bình quân của các DN nhỏ và vừa rất thấp, chỉ khoảng 10-20 tỷ đồng, nên việc cân đối để đánh giá năng lực tài chính rất khó; bên cạnh đó, các DN nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp, nên cũng cần thời gian nâng cấp hoàn thiện minh bạch hệ thống sổ sách kế toán.

Thực tế cho thấy thời gian qua DN nhỏ và vừa đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn…Các DN nhỏ và vừa còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của DN thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường.

Phía NHNN cũng khẳng định, sở dĩ vẫn còn có phản ánh DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng là do nhiều vướng mắc. Về phía ngành ngân hàng, do trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, DN nhỏ và vừa là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các DN nhỏ và vừa phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Việc tiếp cận thông tin về các DN nhỏ và vừa còn hạn chế do hiện nay các tổ chức tín dụng chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp DN và qua trung tâm thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan thuế, cơ quan hải quan...

Nâng tỷ lệ vay tín chấp

Vậy làm sao để các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận được vốn tín dụng? Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn, các ngân hàng có thể linh hoạt cho DN nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ. Ngoài ra, các ngân hàng đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh; đồng thời cần có chỉ đạo từ phía NHNN về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của DN nhỏ và vừa, phương án sản xuất kinh doanh.

Chẳng hạn, ngân hàng thương mại có thể cho vay tín chấp nhưng mọi tài khoản phải mở ở ngân hàng đó để kiểm soát dòng tiền, các giao dịch mua, bán, thanh toán phải trả về thông qua ngân hàng.

Đại diện cho cộng đồng DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, cần có những quy định cụ thể từ phía điều hành chính sách nhà nước, như khi tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng nào thì yêu cầu phải tăng tỷ lệ cho vay DN nhỏ và vừa lên một mức cụ thể.

Phía NHNN khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tại địa phương…

Theo ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đối với các ngân hàng thương mại (như chính sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất…) khi cho vay DN nhỏ và vừa. Đồng thời mở rộng quy mô cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, Chính phủ nghiên cứu các biện pháp gia tăng hiệu quả của bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng.

T.Hằng