Chuyên gia hiến kế phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023
Tại Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023, đại diện các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp giúp Quảng Ninh “thu hút” 15 triệu lượt khách trong năm 2023.
Sáng nay (17/3), tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị Phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 nhằm tìm kiếm các biện pháp phục hồi du lịch bền vững. Tham dự hội nghị có hơn 350 đại biểu, đại diện các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, diễn giả về du lịch và đại sứ quán một số nước trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á; các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận việc nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, những giải pháp thu hút khách du lịch tàu biển đến Quảng Ninh, thu hút khách Trung Quốc,... và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại cả đường bộ, đường biển, hàng không cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, góp phần giúp Quảng thu hút 15 triệu khách du lịch năm 2023 và giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: “Cần nhạy bén hơn nữa nữa trong việc nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển và nhu cầu du lịch mới”.
Theo tôi, để đạt mục tiêu thu hút 15 triệu lượt khách trong năm 2023, đến năm 2030 đón được ít nhất 25,4 triệu lượt khách du lịch, ngành du lịch Quảng Ninh cần phải nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển và nhu cầu du lịch mới, nỗ lực cao độ để thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch tỉnh theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, Quảng Ninh cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội; có cơ chế ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực, đầu tư phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đánh giá lại hệ thống các sản phẩm du lịch theo vùng, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của du lịch Quảng Ninh; tạo thêm các dịch vụ bổ sung, các giá trị gia tăng mới cho các sản phẩm du lịch hiện có. Đồng thời, xây dựng mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch như phát triển các phẩm du lịch đường biển; sản phẩm du lịch đêm và các sản phẩm du lịch sáng tạo khác.
Quảng Ninh cần xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; chuyển đổi số trong phát triển du lịch; triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển thị trường. Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch bền vững và hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh cũng là những vấn đề mà Quảng Ninh cần lưu tâm.
Ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc): “Quan tâm phát triển nhà hàng phục vụ khách Trung Quốc”.
Tôi muốn nhấn mạnh vào việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần, không phải những dịch vụ ta sẵn có”.
Theo tôi, có lẽ chúng ta cần tăng cường các nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc; quan tâm phát triển nhà hàng phục vụ khách Trung Quốc bởi ăn uống luôn là mối quan tâm khi đi du lịch của khách Trung Quốc. Nhà hàng phục vụ khách Trung Quốc phải có quy mô lớn bởi họ có sở thích đi theo đoàn đông và ưu tiên có đầu bếp người Trung Quốc hoặc người Việt có nhiều kinh nghiệm làm việc tại những nhà hàng Trung Quốc. Tuy vẫn muốn thử món ăn Việt Nam nhưng thói quen ăn uống của khách Trung Quốc cũng cho thấy “Người Trung Quốc thích ăn đồ Trung Quốc”. Mua sắm có sức hấp dẫn lớn với khách Trung Quốc nhưng thực phẩm, chất lượng bữa ăn mới thật sự quan trọng. Một du khách Trung Quốc chi tới 59% chi phí chuyến đi cho việc ăn uống…
Bên cạnh đó, cảm giác an yên tâm về an ninh, cảm giác được chào đón và khả năng tiếp cận thông tin bằng tiếng Trung, bao gồm cả ứng dụng thanh toán bằng tiếng Trung cũng là những yếu tố mà khách Trung Quốc quan tâm,… Vì vậy, Quảng Ninh cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên tiếng Trung.
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh: “Chú trọng chuyển đổi số trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh”.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã hình thành nhiều rào cản, khó khăn cho việc di chuyển của du khách, từ đó dần dần hình thành một loại tour du lịch dựa vào nền tảng công nghệ 4.0, cung cấp những tour du lịch online cho khách du lịch.
Công nghệ 4.0 được xây dựng và áp dụng vào giới thiệu các sản phẩm du lịch ngày càng tăng, sản phẩm du lịch số sẽ được ra đời và kết hợp hài hòa với sản phẩm du lịch truyền thống làm tăng giá trị chuyến đi du lịch của du khách. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp du lịch có những sản phẩm hấp dẫn hơn, tăng được hiệu quả kinh doanh. Khách du lịch ứng dụng công nghệ số để lựa chọn các điểm đến, các cơ sở dịch vụ phù hợp, tạo sự chủ động trong quá trình triển khai các chương trình du lịch.
Bà Vũ Thị Hồng Quyên, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist tại Quảng Ninh: “Nguồn khách du lịch tàu biển góp phần thay đổi khái niệm du lịch mang tính mùa vụ tại Quảng Ninh”.
Quảng Ninh là một trong những điểm đến có nhiều ưu thế để phát triển du lịch tàu biển. Đặc điểm của du lịch tàu biển là đi với số lượng đông, khách đa quốc tịch và có yêu cầu dịch vụ lớn tại cùng 1 thời điểm… Mùa du lịch tàu biển thường bắt đầu vào tháng 10 và kết thúc vào tháng 4 hàng năm, thông thường đây là mùa du lịch thấp điểm tại Quảng Ninh. Điều này góp phần thay đổi khái niệm du lịch mang tính mùa vụ tại Quảng Ninh.
Để có thể thu hút và tiếp tục phát triển hiệu quả mảng du lịch tàu biểu, chúng tôi đề xuất tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, xúc tiến và tạo điều kiện cho các hãng tàu đưa khách du lịch đến Hạ Long thông qua việc tăng cường việc tham gia các hoạt động xúc tiến về du lịch tàu biển ở trong và ngoài nước; xây dựng các chương trình kích cầu trực tiếp vào thị trường khách du lịch và tạo ra những chính sách đột phá…
Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý và giải quyết thủ tục cho khách đi bờ tham quan nhanh chóng, thuận lợi, an toàn như xây dựng phương án dự phòng để có đủ năng lực đón 3-4 tàu trong cùng 1 ngày nhằm nâng cao năng lực đón khách; xem xét việc tích hợp việc kiểm tra, xét duyệt, cấp lệnh và bán vé tham quan Vịnh Hạ Long giữa các cơ quan liên kiểm dưới bờ sao cho thuận lợi, giảm tối đa việc thủ tục hành chính cho khách… Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực, xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện.