Đổi mới thi cử: Cần thiết duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT
Câu hỏi có nên duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được đặt ra khi tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ngày càng cao và các trường đại học có xu hướng giảm dần lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Lo ngại kỳ thi mang tính hình thức
Việc nên duy trì hay không kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, cũng như nhận được nhiều góp ý của chuyên gia giáo dục trong nhiều năm qua.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri ở một số địa phương tiếp tục kiến nghị Bộ GDĐT bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Lâm Đồng, việc thi tốt nghiệp THPT hiện nay với tỷ lệ đạt rất cao, nên việc tổ chức thi liệu có cần thiết nữa hay không?
Thứ hai, việc lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học, chưa thật sự đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc đại học, đặc biệt là các ngành có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, sức khỏe của người dân và phát triển xã hội lâu dài của đất nước như các ngành an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học…
Còn cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GDĐT nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện nay bằng tốt nghiệp THPT rất phổ biến nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa, mỗi năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi tốt. Do đó, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức thi.
Không phải tới thời điểm này, việc nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không mới được đặt ra mà trước đó nhiều đại biểu quốc hội, chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ quan điểm nên bỏ kỳ thi này cho đỡ tốn kém bởi tỉ lệ tốt nghiệp THPT những năm trở lại đây rất cao, hầu hết trên 97%, thậm chí đạt gần 99% (năm 2022 tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước là 98,57%) trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ đạt 60%, 70% là chuyện bình thường.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu quan điểm không đồng tình với đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo bà An, kết thúc bậc phổ thông là kết thúc một nấc học cơ bản, từ đó các em học lên bậc đại học hay trường nghề… Thế nên, việc thi tốt nghiệp THPT là cần thiết và nên duy trì.
Để tránh tình trạng hình thức, thí sinh nào cũng đạt điểm giỏi, điểm xuất sắc, theo bà An, kỳ thi cần được tổ chức sao cho nhẹ nhàng, hiệu quả và phản ánh đúng thức chất.
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là cực đoan
Cho rằng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là quan điểm cực đoan, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nhìn nhận, kỳ thi này là cơ hội để ngành giáo dục rà soát kết quả học tập của học sinh sau 12 năm phổ thông nên cần thiết và không thể bỏ được, nhất là trong điều kiện dạy học của các vùng miền còn có sự khác biệt.
Theo TS Lê Viết Khuyến, điều cần loại bỏ hiện nay là bệnh thành tích trong thi cử. Để tránh những sai sót, hạn chế trong việc tổ chức thi, ông Khuyến cho rằng, đề thi phải tiến tới tiêu chuẩn hóa, tiếp tục đầu tư xây dựng ngân hàng câu hỏi tốt hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ là đề thi cũng cần phải được đào tạo chuyên nghiệp hơn.
Về kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT cho biết, nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỉ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao. Thêm nữa, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học THPT sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp THPT không học.
Bộ GDĐT cũng cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; trong đó xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá, tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024 được Bộ GDĐT xây dựng theo hướng ổn định như năm 2022. Đồng thời, Bộ triển khai xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình GDPT 2018.
Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các bên liên quan tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ GDĐT.
Hiện nay Bộ GDĐT đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét; đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt ngay từ năm 2023 để thực hiện hiệu quả Phương án.
PGS.TS Phan Túy - Trưởng khoa Dược Trường Đại học Hòa Bình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, nếu chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông nghiêm túc, minh bạch thì học sinh học hết lớp 12 có thể được cấp bằng tốt nghiệp THPT mà không cần tổ chức thi cho đỡ tốn kém, tuy nhiên thực tế, vẫn còn những băn khoăn trong giáo dục phổ thông. Vì vậy, việc thi tốt nghiệp THPT là cần thiết.
Trong khi đó, ở bậc đại học, các trường vẫn cần phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, hiện nay các trường được tăng tính tự chủ trong tuyển sinh, để bảo đảm chất lượng đầu vào. Tùy từng ngành, từng trường có thể đưa ra quy định thí sinh phải đạt điểm thi tốt nghiệp THPT tối thiếu mới được xét tuyển. Ví dụ như ngành Y hiện nay yêu cầu, thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi mới được xét tuyển.