Dịch adenovirus bùng phát ở Ấn Độ khiến ít nhất 19 trẻ tử vong
Adenovirus được cho là gây nhiễm trùng mắt, dạ dày và đường hô hấp, hai chủng adenovirus đột biến đã dẫn tới những trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em.
Theo SKĐS, dịch bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do Adenovirus bùng phát ở bang Tây Bengal, Ấn Độ, đã khiến ít nhất 19 trẻ tử vong, hàng nghìn người phải nhập viện.
Kể từ đầu năm tới nay, 12.000 trường hợp nhiễm adenovirus được ghi nhận ở bang Tây Bengal, Ấn Độ. Hơn 3.000 trẻ em đã phải nhập viện với triệu chứng giống cúm.
Hiệp hội các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ở nước này cảnh báo, số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể còn cao hơn con số thống kê.
Một vài kênh truyền thông địa phương cho rằng, hơn 100 trẻ em đã tử vong do adenovirus. Hiện nay, bang Tây Bengal đang phải chật vật chống chọi với dịch bệnh do adenovirus. Một vài bệnh viện cho biết, khoa nhi đã quá tải, nhiều bệnh nhi phải nằm chung giường.
Adenovirus được cho là gây nhiễm trùng mắt, dạ dày và đường hô hấp. Theo các quan chức y tế địa phương, hai chủng adenovirus đột biến đã dẫn tới những trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em.
Các phòng khám và khoa bệnh được chỉ thị mở cửa 24h/ngày, 7 ngày trong tuần.
Các giao thức được áp dụng trong đại dịch Covid-19 như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang đã được áp dụng trở lại để hạn chế lây lan Adenovirus. Đến nay, chính quyền địa phương chưa ra lệnh đóng cửa trường học.
Bác sĩ nhi khoa Apurba Ghosh cho biết: “Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh Adenovirus là chưa từng có".
Bác sĩ Prabhas Prasun Giri, khoa chăm sóc đặc biệt, Viện Sức khỏe Trẻ em ở Kolkata cho biết, bang Tây Bengal đã không chuẩn bị trước để xử lý lượng bệnh nhân khổng lồ đến vậy.
“Khi chúng ta sống trong thời kỳ hậu Covid-19, chúng ta nên chuẩn bị cho bất kỳ loại virus nào sẽ bùng phát như vậy. Năm nay, đó là adenovirus. Năm tới, có thể là RSV (virus hợp bào hô hấp), năm tiếp theo có thể là cúm", BS. Prabhas Prasun Giri nói.
Nhiễm trùng Adenovirus hay gặp ở trẻ nhỏ
Adenovirus là một nhóm virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm trùng Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chủng virus phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Theo BS. Dương Thị Hồng Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trong trường hợp trẻ được chẩn đoán nhiễm Adenovirus ở mức độ nhẹ với các biểu hiện như: sốt cao, ho ít hoặc kèm theo một số biểu hiện của đường hô hấp trên, gia đình hoàn toàn có thể theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tại nhà.
Tuy nhiên, nếu trẻ đã từng tiếp xúc với người nhiễm Adenovirus được khẳng định trước đó, hoặc có xuất hiện một số triệu chứng nặng như:
Sốt cao nhiều ngày không đáp ứng với thuốc hạ sốt;
Bị viêm kết mạc mắt, đau mắt hoặc có vấn đề về thị lực;
Bị nôn mửa, tiêu chảy hoặc có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, mệt mỏi, đi tiểu ít,…
Lúc này, gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng gây ra những biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Cách phòng bệnh Adenovirus
- Tăng cường hệ miễn dịch: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng đặc biệt trẻ nhỏ.
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Giữ ấm, giữ ẩm đường hô hấp, vệ sinh mũi họng hành ngày.
- Tránh tiếp xúc nguồn bệnh, không nên đến nơi đông người trong thời gian dịch bệnh, đeo khẩu trang đúng cách.
- Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vắc xin phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác có trên thị trường để chủ động tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.