Google ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc sức khỏe
Google mở rộng nghiên cứu và sử dụng trí tuệ nhân tạo chăm sóc sức khỏe, bao gồm việc giúp chẩn đoán sớm các bệnh như ung thư và trả lời các câu hỏi y tế.
Theo SKĐS, thông tin từ ABC News, Tiến sĩ Karen DeSalvo, Giám đốc y tế của Google cho biết: "Tương lai của việc chăm sóc sức khỏe là do người tiêu dùng định hướng. Con người mong đợi được trải nghiệm những thiết bị di động với thông tin chi tiết về dịch vụ, đồng thời dịch vụ chăm sóc sẽ được cá nhân hóa nhiều hơn. Các doanh nghiệp, bao gồm cả Google, sẽ cần phát triển để đáp ứng người tiêu dùng ở bất cứ đâu."
Công ty cho ra mắt phiên bản mới nhất của mô hình ngôn ngữ y tế chủ chốt, được thiết kế để cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi y tế, với tên gọi là Med-PaLM 2.
Lần đầu tiên được ra mắt vào năm ngoái, Google cho biết đây là hệ thống AI đầu tiên đạt điểm vượt hơn 60% khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và các câu hỏi mở xuất hiện trong các kỳ thi cấp phép y tế của Hoa Kỳ.
Google cho biết phiên bản mới nhất đã trả lời thống nhất các câu hỏi kiểm tra y tế ở cấp độ "chuyên gia", đạt 85%.
Trong sự kiện này, Tiến sĩ Alan Karthikesalingam - trưởng nhóm nghiên cứu tại Google Health - đã đưa ra các ví dụ về một số câu hỏi mà Med-PaLM 2 có thể trả lời, bao gồm "dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh viêm phổi là gì?" và "bệnh tiểu són có chữa được không?".
Các bác sĩ lâm sàng có thể hỏi cùng 1 câu và thường Med-PaLM2 đều trả lời như nhau, và thậm chí có những lần trả lời chi tiết và rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, công ty Google thừa nhận ứng dụng này vẫn chưa sẵn sàng để phục vụ trong xã hội do có "lỗ hổng" khi trả lời một số câu hỏi liên quan đến y tế.
Google cũng đồng thời công bố các quan hệ đối tác mới sẽ giúp con người chẩn đoán bệnh sớm hơn và xác định thông tin sức khỏe nhanh hơn.
Mối quan hệ hợp tác đầu tiên, cùng với Jacaranda Health - mô hình chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ tương lai và trẻ sơ sinh - sử dụng công nghệ AI để thay thế các máy siêu âm truyền thống.
Trí tuệ nhân tạo có thể được cấy ghép ở những khu vực có thu nhập thấp và không đủ máy móc. Chi phí cho việc này khá tốn kém và cần nhân viên đào tạo để có thể theo dõi nhiều phụ nữ mang thai hơn.
Một mối quan hệ hợp tác khác với Bệnh viện Chang Gung Memorial ở Đài Loan; các mô hình AI sử dụng siêu âm để phát hiện ung thư vú thay vì chụp quang tuyến vú truyền thống.
Google cũng đang có kế hoạch hợp tác với Mayo Clinic để xem AI có thể giúp bệnh nhân ung thư sử dụng phương pháp xạ trị như thế nào.
Công ty cho biết AI của họ có thể giúp tăng tốc quá trình phác họa đường viền, trong đó các bác sĩ lâm sàng sử dụng máy quét CT để phác thảo các cơ quan dễ có nguy cơ mắc bệnh, và các tia bức xạ được trực tiếp chiếu thẳng tới khối u.
Google cũng đang mở rộng khả năng của công cụ tìm kiếm để cung cấp thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng.
Hema Budaraju, Giám đốc cấp cao lĩnh vực sản phẩm, sức khỏe và trách nhiệm xã hội của Google Search - cho biết công ty đã sử dụng Duplex (một công cụ mới từ Google, với mục đích sử dụng AI để "thực hiện các tác vụ đời thực thông qua điện thoại) để giúp người dùng tìm các trung tâm y tế cộng đồng miễn phí cung cấp dịch vụ chăm sóc và chi phí thấp, đồng thời bổ sung thêm về việc đặt lịch hẹn với bác sĩ trên nền tảng Internet.
Chuyên gia Hema chia sẻ: "Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc tìm kiếm nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như số điện thoại và địa chỉ phòng khám. Duplex đã gọi cho hàng trăm nghìn nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ để xác minh thông tin của họ khi tìm kiếm trên Google (Google Search), và chúng tôi đã sử dụng công nghệ này để xác minh liệu các nhà cung cấp có chấp nhận một số chương trình Medicaid nhất định ở tiểu bang của họ hay không".