Vụ rừng ngập mặn ở Huế bị san ủi: Kiểm điểm tập thể và cá nhân liên quan
Huyện Quảng Điền kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc thi công trình nạo vét, gia cố thủy đạo sau cống tại khu vực Hà Đồ (xã Quảng Phước)
Ngày 17/3, thông tin từ Văn phòng UBND huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Bảo vừa ký ban hành văn bản về việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến việc thi công trình nạo vét, gia cố thủy đạo sau cống tại khu vực Hà Đồ (xã Quảng Phước), làm ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn được trồng tại địa phương.
Cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện (chủ đầu tư công trình) tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác thi công công trình làm ảnh hưởng đến 0,72 ha diện tích rừng ngập mặn thuộc dự án rừng trồng ngập mặn ven biển và đầm phá (dự án SP-RCC) do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, UBND xã Quảng Phước cũng phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, cũng như trong việc phối hợp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công công trình làm ảnh hưởng đến số diện tích rừng ngập mặn nói trên.
Ngoài ra, UBND huyện Quảng Điền giao Phòng Nội vụ huyện có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tiến hành kiểm điểm và tổng hợp, tham mưu UBND huyện xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định trước ngày 25/3.
Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được báo cáo về việc một nhà thầu trong quá trình san ủi đất để thi công bờ kè ở xã Quảng Phước đã làm gãy, hư hại nhiều diện tích rừng ngập mặn được trồng tại khu vực này.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khẩn trương cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra, qua đó xác định có khoảng 0,72ha rừng ngập mặn, trong đó phần lớn là cây bần chua bị hư hại, gãy đổ nên tiến hành lập biên bản.
Số diện tích rừng ngập mặn này được trồng từ năm 2018 nhưng sau đó do bị ảnh hưởng của mưa lũ nên một số cây bị chết, đến năm 2019 được triển khai trồng lại.